Tham vọng chinh phục thị trường Dubai của Gỗ Trường Thành

(Banker.vn) Gỗ Trường Thành mở rộng đầu tư sang Dubai, đánh dấu bước phát triển chiến lược tại thị trường Trung Đông. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ thiết kế nội thất cao cấp từ các thương hiệu toàn cầu, TTF hướng đến việc đáp ứng nhu cầu đa dạng tại khu vực này và tăng cường sự hiện diện quốc tế.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đang tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Đông. Nhằm khai thác thị trường tiềm năng này, TTF đã quyết định đầu tư vào Dubai để cung cấp dịch vụ thiết kế nội thất mang thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, đồng thời mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các sản phẩm nội thất cao cấp từ Trung Đông.

Tham vọng chinh phục thị trường Dubai của Gỗ Trường Thành
Gỗ Trường Thành ghi nhận lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng trong quý 3/2024.

Theo thông báo, công ty con của TTF, Công ty CP Đồ gỗ Casadora (TTF sở hữu 60%) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tại Dubai. Đây là bước khởi đầu cho chiến lược của TTF tại khu vực này, dự kiến sẽ hợp tác cùng các dự án bất động sản cao cấp để đưa thương hiệu nội thất hàng đầu vào các không gian sống và làm việc hiện đại.

Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Đồ gỗ Casadora được cấp vào ngày 5/6/2024 bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Với tên tổ chức kinh tế được thành lập tại Dubai là Belmonte Design Services L.L.C, dự án đầu tư có tổng vốn 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) từ vốn chủ sở hữu.

Theo hình thức đầu tư, TTF sẽ mua cổ phần tại một công ty kinh tế ở nước ngoài và tham gia quản lý để triển khai các dịch vụ thiết kế nội thất với các thương hiệu lớn, thúc đẩy sự phát triển thương hiệu tại Việt Nam và khu vực Trung Đông.

Về hoạt động kinh doanh, quý 3/2024, TTF ghi nhận doanh thu thuần hơn 236 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 6 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ ròng gần 27 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 43 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. TTF cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ là do sự khó khăn của thị trường khách hàng lớn, làm giảm doanh thu xuất khẩu, cùng với chi phí logistics tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột tại một số khu vực trên thế giới. Việc giao hàng bị chậm trễ đã đẩy nhiều đơn hàng sang quý 4/2024, khiến doanh thu không đạt kỳ vọng trong quý 3. Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án trong nước bị chậm trễ do ảnh hưởng của thiên tai tại các tỉnh phía Bắc cũng tác động tiêu cực đến lợi nhuận.

Để vượt qua thách thức này, TTF đang đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng khách hàng tại các thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, châu Á và đặc biệt là Dubai. Công ty cũng đang triển khai tái cấu trúc các công ty con không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho những dự án kinh doanh mới. Các thị trường mục tiêu trong thời gian tới bao gồm không chỉ khu vực Đông Á, Australia mà còn là các nước Đông Nam Á và Trung Đông.

Trong giai đoạn từ 2016 đến 2023, TTF đã trải qua nhiều khó khăn với các khoản lỗ lớn. Điển hình, năm 2016 công ty lỗ nặng 1.271 tỷ đồng, năm 2017 có lãi nhẹ gần 11 tỷ đồng, nhưng sau đó lại lỗ tổng cộng hơn 1.612 tỷ đồng trong hai năm 2018 và 2019. Năm 2023, TTF tiếp tục báo lỗ gần 134 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng lỗ lũy kế của TTF đã lên đến gần 3.268 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 4.112 tỷ đồng.

Với tình trạng này, cổ phiếu TTF đã bị cảnh báo từ ngày 21/4/2022 do báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 ghi nhận lỗ ròng gần 9 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 3 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2021.

Bức tranh ngành thép quý III: Hoà Phát vượt khó, thị trường hé lộ kỳ vọng phục hồi

Thị trường thép quý III đối mặt nhiều khó khăn với giá giảm sâu và áp lực cạnh tranh, lợi nhuận qua đó cũng phân ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục