Thái Lan giảm diện tích trồng lúa: Cơ hội và thách thức nào cho gạo Việt?

(Banker.vn) Một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, giá gạo tăng nhưng Thái Lan giảm diện tích trồng lúa, liệu nguyên nhân chỉ từ El Nino? Cơ hội, thách thức nào cho gạo Việt?
Thái Lan giảm diện tích trồng lúa, tác động như thế nào lên giá gạo Việt? Một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói gì? Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Một số nước cấm xuất khẩu gạo - Cơ hội của ta nhiều, thách thức cũng không nhỏ

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Trong bối cảnh một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu đang tăng, Thái Lan lại giảm diện tích trồng lúa, ông bình luận gì về động thái này?

Theo tôi, việc Thái Lan giảm diện tích trồng lúa rất có thể họ đi vào phân khúc lúa chất lượng cao với giá bán cao. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nhưng là cơ hội đối với gạo trắng và gạo tấm 5%.

Thái Lan giảm diện tích trồng lúa: Liệu nguyên nhân có chỉ từ El Nino?
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới

Tuy nhiên, nếu nông dân tính toán không kỹ và điều chỉnh sang trồng gạo trắng và gạo tấm 5%, trong bối cảnh thời tiết khí hậu không khắc nghiệt như dự báo trước đó, thị trường trở lại bình thường. Khi đó, giá gạo trắng và giá tấm sẽ tụt xuống, việc này sẽ ảnh hưởng cho việc xuất khẩu của năm 2024. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Theo quan sát của tôi trong những năm vừa qua, chưa bao giờ giá gạo tăng liên tục trong 3 - 4 tháng. Do đó, người nông dân đừng vội để cơ cấu chuyển sang trồng gạo trắng và gạo tấm 5%.

Một số ý kiến cho rằng, Thái Lan giảm diện tích trồng lúa mục đích của họ là muốn tiết kiệm nước trước bối cảnh hiện tượng El Nino tác động đến thời tiết trong năm 2023 – 2024, đây có phải là nguyên nhân chính, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu là hiện tượng El Nino, xảy ra tình trạng khô hạn thì Thái Lan và vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là tương đồng. Chưa kể đồng bằng sông Cửu Long còn chịu tác động của ngập mặn, sạt lở nhiều.

Đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam là Thái Lan bây giờ là giá chứ không còn là lượng. Họ chuyển sang về chất lượng và đón các phân khúc thị trường có giá trị sinh lời cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Hay nói cách khác, họ đã đi trước một bước chứ không phải đi cùng với chúng ta.

Giá gạo xuất khẩu tăng, liệu người dân trong nước có phải mua gạo giá cao hơn không?

Theo tôi, từ nay đến tháng 10/2023, giá gạo trong nước sẽ không có vấn đề đáng lo ngại. Trước mắt, giá gạo trong nước có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ một chút, nhưng không đi theo chiều tăng đột biến và làm rối loạn thị trường.

Thái Lan giảm diện tích trồng lúa: Liệu nguyên nhân có chỉ từ El Nino?
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Hiện tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn vụ Thu Đông và sản lượng này cũng sẽ bù vào và sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Một vấn đề nữa đó là từ 1/7/2023, lương cơ sở bắt đầu tăng lên, cũng có thể giá gạo tăng, khiến chúng ta rất dễ lầm tưởng giá gạo tăng chỉ do các yếu tố thị trường bên ngoài tác động.

Doanh nghiệp cần lựa chọn cơ cấu và thời điểm xuất khẩu cho hợp lý.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Thái Lan giảm diện tích trồng lúa, “nước cờ” của Việt Nam theo ông sẽ là gì?

Theo tôi nhận định, bối cảnh thị trường thế giới tác động lên giá gạo tăng sẽ chỉ trong ngắn hạn. Để chủ động về an ninh lương thực trong bối cảnh lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo thì cần tập trung khai thác vụ Hè Thu và vụ Thu Đông. Đồng thời tăng cường vụ Đông Xuân ở khu vực miền Bắc để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, khi đó, ngành trồng trọt và chăn nuôi sẽ đi được bằng 2 chân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú trọng đến các thị trường có thuế suất xuất khẩu gạo 0%, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, ví dụ như tại thị trường EU.

Bởi khi các nước đã gần đủ lượng gạo thì giá gạo sẽ không còn tăng cao được nữa.

Có thể từ nay đến cuối năm, thậm chí là chưa đến thời điểm cuối năm 2023 này, Ấn Độ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Mặt khác, Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trong khi đó, các loại gạo chất lượng cao họ vẫn xuất khẩu bình thường.

Nếu chúng ta không nhận rõ được việc này, doanh nghiệp thấy hợp đồng mới với giá gạo cao hơn và bỏ đặt cọc, bẻ kèo, bội tín dẫn đến ảnh hưởng đến hình ảnh gạo của Viêt, khi thị trường đã bị đứt cung ứng thì sẽ rất khó tiếp cận trở lại, việc này sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung xuất khẩu toàn ngành trong những năm tới.

Do đó, cần giữ hình ảnh của gạo Việt và duy trì thị trường, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia…

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương