Thái Bình: Xử lý 279 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại

(Banker.vn) 5 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường Thái Bình đã kiểm tra 406 vụ, xử lý 279 vụ việc vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng.
Thái Bình: Tiêu hủy hơn 3 tấn thịt lợn ôi thiu, biến đổi màu sắc Thái Bình: Phát hiện lô hàng điện thoại thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu Thái Bình: Phát hiện hộ kinh doanh xe điện tại huyện Thái Thụy vi phạm về thương mại điện tử Thái Bình: Phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng hai cơ sở kinh doanh vàng tại huyện Thái Thụy

Kiểm tra 406 vụ, xử lý 279 vụ vi phạm

5 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người “gác cổng” về thương mại, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, dù là địa bàn nhỏ, xong Thái Bình cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa của các tỉnh, thành phố lân cận, do vậy 5 tháng đầu năm 2024 hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... vẫn diễn ra cả ở thành thị và nông thôn, diễn ra cả ở môi trường truyền thống và trên các nền tảng thương mại điện tử.

Nhận diện rõ thách thức, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thái Bình đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, chỉ đạo các đơn vị triển khai, thực hiện về công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Theo đó, Cục đã ban hành nhiều kế hoạch cao điểm, định kỳ kiểm tra kiểm soát thị trường như: Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023 dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Kế hoạch công tác năm 2024; Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024; Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Thái Bình cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các Đội Quản lý thị trường nghiêm túc triển khai việc giám sát, nắm địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trên địa bàn để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường; tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về thực phẩm, sữa, xăng dầu, đồ điện tử...

Đáng chú ‎ý, trong 5 tháng đầu năm, lực lượng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu và mặt hàng vàng, trong đó chú trọng kiểm tra về chất lượng hàng hóa, niêm yết giá bán...

Kết quả, tính từ 15/12/2023 - 24/5/2024, Quản lý thị trường Thái Bình đã tổng kiểm tra 406 vụ việc, trong đó xử lý 279 vụ việc vi phạm, tổng số tiền nộp Ngân sách trên 1,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về lĩnh vực giá; vi phạm về an toàn thực phẩm; vi phạm về điều kiện kinh doanh, đo lường và nhãn hàng hoá...

Điển hình, ngày 26/3/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra đột xuất quầy thuốc Hòa Phượng thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Thị Phượng (địa chỉ tại thôn Thần Khê, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng). Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện quầy thuốc đang thực hiện hoạt động bán hàng trên website thương mại điện tử có tên miền https://thuochoaphuong.vn đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, vật tư thiết bị y tế, mỹ phẩm... nhưng không thông báo website thương mại điện tử với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng. Sau thời gian thẩm tra, xác minh, đầu tháng 4/2024 Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Phượng về hành vi vi phạm không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.

Trước đó, ngày 20/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp kiểm tra đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty TNHH thương mại Thượng Hoàng Phát, địa chỉ: Thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã thực hiện lấy mẫu xăng RON 95-III đang kinh doanh tại cửa hàng để gửi đi kiểm nghiệm chất lượng. Căn cứ kết quả xác minh làm việc và kết quả thử nghiệm mẫu xăng Ron 95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, Đội Quản lý thị trường số 1 đã báo cáo Cục Quản lý tỉnh Thái Bình và chuyển giao hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến UBND tỉnh do vụ việc vi phạm hành chính vượt thẩm quyền của Cục trưởng. Đến ngày 4/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại Thượng Hoàng Phát về hành vi kinh doanh xăng dầu vi phạm về chất lượng hàng hóa với số tiền gần 260 triệu đồng.

Thái Bình: Xử lý 279 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại
Thái Bình: Xử lý 279 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại
5 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường Thái Bình đã tổng kiểm tra 406 vụ việc, trong đó xử lý 279 vụ việc vi phạm. (Ảnh: Cục Quản lý thị trường Thái Bình)

Ông Nguyễn Văn Nghiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường Thái Bình không chỉ tập trung kiểm tra, rà soát những địa bàn trọng tâm mà còn chú trọng kiểm tra các nhóm hàng hóa trọng điểm như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng LPG... đặc biệt, các mặt hàng trên thương mại điện tử cũng được lực lượng tăng cường giám sát, kiểm tra.

Chính việc kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá được Nhà nước bảo hộ, tiếp tục xứng đáng là những người “gác cửa” thương mại của thị trường tỉnh...

Tập trung kiểm tra vi phạm trên thương mại điện tử

Trong những tháng còn lại của năm 2024, dự báo mặt hàng thực phẩm phục vụ mùa lễ hội và hàng điện tử, điện lạnh được tiêu thụ nhiều hơn do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong mùa nắng nóng, thị trường các mặt hàng này sẽ diễn ra sôi động, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm về hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thêm vào đó, thương mại điện tử đang là môi trường tiềm ẩn nhiều hành vi vi phạm, bởi hiện nay kinh doanh trên thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ; người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các trang web thương mại điện tử, hoặc qua sàn giao dịch điện tử như shopee, lazada, sendo, tiki… hoặc qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok...

Thái Bình: Xử lý 279 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại trong 4 tháng năm 2024
Kết quả kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh Cục Quản lý thị trường Thái Bình)

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại buôn lậu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Cục trưởng Nguyễn Văn Nghiên cho biết, trong thời tới, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389/ĐP tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cùng đó, tăng cường công tác theo dõi nắm tình hình thị trường, giám sát địa bàn, giá cả hàng hóa, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Tập trung kiểm soát hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm và các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá quá mức...; chú trọng các mặt hàng thực phẩm thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, trong đó có mặt hàng xăng dầu” - Cục trưởng Nguyễn Văn Nghiên thông tin và nhấn mạnh. Thời gian tới, Quản lý‎ thị trường tỉnh Thái Bình sẽ phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng kiểm soát viên, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác chuyên môn nhằm xây dựng nội bộ trong sạch, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Văn Nghiên cũng cho biết, bên cạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Quản lý thị trường tỉnh cũng chủ động tìm kiếm, ứng dụng các giải pháp công nghệ để kiểm soát, ngăn chặn hành vi lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục