Ngày 15/8, VinFast sẽ khởi động “cuộc chơi” trên thị trường chứng khoán Mỹ. |
Sau khi thương vụ hợp nhất giữa VinFast và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) được hoàn tất, cổ phiếu phổ thông và chứng quyền hãng xe điện Việt Nam dự kiến sẽ giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq vào ngày 15/8, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.
Phương thức mà VinFast thực hiện là sáp nhập với một công ty chuyên mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC, Special Purpose Acquiring Company) để chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), thực chất là một hình thức “niêm yết cửa sau”, “đi đường tắt” để đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ.
Trên thực tế, phương thức niêm yết thông qua SPAC đã tồn tại suốt hơn 3 thập kỷ qua. Theo đó, SPAC là một công ty vỏ bọc, rỗng ruột (shell company), không có hoạt động sản xuất kinh doanh (blank check), do một nhóm nhà đầu tư (thường được gọi là nhà tài trợ - sponsor) thành lập với mục đích duy nhất là huy động vốn. SPAC được niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán lớn và có vòng đời khoảng 2 năm.
Trong 2 năm đó, SPAC sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp tư nhân có mục tiêu niêm yết trên sàn. Sau khi tìm được cơ hội đầu tư, SPAC sẽ hợp nhất vào công ty mua trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và sau đó sẽ niêm yết theo mã của công ty mới.
Hiểu một cách đơn giản, do SPAC đã niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán nên sau khi hợp nhất với công ty mục tiêu, công ty mới (sau khi sáp nhập) cũng được niêm yết trên sàn. Đây được coi một hướng đi đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tư nhân muốn thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Mỹ, trong đó có VinFast.
Sự khác biệt giữa SPAC và IPO truyền thống |
Việc sáp nhập với SPAC mang tên Black Spade cho phép VinFast trở thành doanh nghiệp đại chúng mà không cần phải mất nhiều thời gian và thủ tục như một cuộc IPO thông thường.
Trên thực tế, IPO truyền thống tại Mỹ thường mất ít nhất từ 6 tháng tới 1 năm để Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) đánh giá. Trong khi đó, với “bàn đạp” là SPAC, chỉ cần 3 đến 4 tháng, doanh nghiệp đã có thể hoàn thành niêm yết.
Mặt khác, thông qua cách này, các doanh nghiệp cũng có thể “né” những điều kiện niêm yết trực tiếp khắt khe mà phương thức IPO truyền thống đặt ra.
Theo quy định hiện hành, để niêm yết trực tiếp trên sàn NYSE, doanh nghiệp cần phải có doanh nghiệp cần phải có 2.200 cổ đông, 1,1 triệu cổ phiếu công chúng nắm giữ, vốn hóa thị trường tối thiểu 100 triệu USD; giá cổ phiếu tối thiểu 4 USD; tổng thu nhập trong năm gần nhất tối thiểu là 75 triệu USD; tổng lợi tức trước thuế của 3 năm gần nhất là 10 triệu USD; trong đó 2 năm gần nhất tổng lợi tức tối thiểu đạt 2 triệu USD và năm đầu tiên phải có lời.
Trong khi đó, để lên sàn Nasdaq, doanh nghiệp phải có thu nhập trước thuế của năm trước hoặc thu nhập của 2 năm bất kỳ trong 3 năm gần nhất phải trên 1 triệu USD với vốn cổ đông đạt 15 triệu USD; tỷ lệ cổ phần tối thiểu do công chúng nắm giữ bắt buộc phải ở mức 1,1 triệu cổ phiếu với tổng giá trị thị trường của cổ phiếu công chúng phải ở các mức 8 triệu USD, 18 triệu USD hoặc 20 triệu USD.
Các chuyên gia phân tích, với giá trị vài trăm triệu đến vài tỷ USD, SPAC được thị trường Mỹ coi là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng lại là “vỏ bọc” khá “vừa vặn” với các doanh nghiệp đến từ châu Á. Nhờ có “vỏ bọc” này, các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chỉ số tài chính và tính thanh khoản nói trên, được bỏ qua một số thủ tục, cùng với đó là các khâu giải trình về định hướng phát triển, kinh doanh… vốn có thể trở thành rủi ro khiến họ “trượt chân” gọi vốn.
Đồng thời, định giá doanh nghiệp khi niêm yết thông qua SPAC có thể được xác định trước thông qua thỏa thuận trước giữa các nhà tài trợ SPAC và công ty mục tiêu thay vì điều kiện thị trường thông thường.
Ngoài ra, thủ tục niêm yết nhanh và đơn giản hơn cũng khiến chi phí niêm yết qua SPAC thấp hơn IPO truyền thống.
Với những ưu điểm nói trên, việc sử dụng SPAC như một cánh “cửa sau” để bước vào thị trường Mỹ được các doanh nghiệp châu Á khá ưa chuộng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, thời gian vừa qua, không chỉ có VinFast mà còn một loạt các doanh nghiệp khác như VNG, Thaiholdings, Tiki, Big Invest Group… cũng từng bày tỏ tham vọng “Mỹ tiến” thông qua SPAC.
Cavico từng đặt chân lên sàn Nasdaq thông qua SPAC |
Thậm chí, hơn 10 năm trước, một doanh nghiệp Việt là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) đã “đặt chân” lên sàn Nasdaq theo cách này. Cụ thể, năm 2006, sau khi Cavico sáp nhập với một SPAC mang tên Agent155 Media Group, cổ phiếu của doanh nghiệp này bắt đầu giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) tại Mỹ. Đến tháng 9/2009, Cavico chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq với mã CAVO.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm, ngày 17/6/2011, Cavico đã nhận được cảnh báo từ phía Nasdaq về việc có thể công ty sẽ bị hủy niêm yết do vi phạm quy định của sàn giao dịch này. Theo đó, cổ phiếu CAVO đã giao dịch dưới 1 USD/cp trong 30 ngày liên tiếp (14/5 - 14/6/2011).
Cavido được yêu cầu khắc phục tình hình trong vòng 6 tháng. Nếu đến ngày 14/12/2011, cổ phiếu CAVO không thể tăng lên mức 1 USD/cp trong ít nhất 10 ngày liên tiếp thì mã này sẽ bị hủy niêm yết.
Thế nhưng, ngày 6/7/2021, Nasdaq đã huỷ niêm yết đối với cổ phiếu CAVO do Cavico chậm nộp báo cáo của năm tài chính kết thúc vào 31/12/2010. Trước đó, mặc dù Cavico đã có kế hoạch “cầu cứu” Nasdaq cho phép gia hạn nộp báo cáo kết quả kinh doanh nhưng không được sàn giao dịch này chấp thuận. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu CAVO giảm tiếp 35%, xuống còn vỏn vẹn 48 cent/cp.
Rõ ràng, tham vọng của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận nguồn vốn lớn nhờ niêm yết ở thị trường nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng, đến nay, vẫn là “chuyện như chưa bắt đầu”.
Nhìn chung, từ câu chuyện của Cavico, có thể thấy, niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài không khó, mà cái khó là có thể đáp ứng được những điều kiện ngặt nghèo và đứng vững được trong sự đào thải khắc nghiệt của sàn chứng khoán Mỹ.
VinFast sẽ bước vào một cuộc chơi "khốc liệt" |
Thời gian tới, khi niêm yết trên sàn Nasdaq, trước hết, VinFast sẽ khắc phục những rào cản kỹ thuật có thể xảy ra do khoảng cách rất lớn giữa báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và báo cáo tài chính theo chuẩn mực Việt Nam.
Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên từ “người tiền bối” Cavico. Đáng nói, không chỉ riêng doanh nghiệp Việt, có rất nhiều đơn vị đến từ nhiều quốc gia khác cũng gặp khó trong việc thực hiện nghiệp vụ báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn của sàn chứng khoán Mỹ.
Nghiên cứu của Audit Analytics cho thấy, có đến 11,7% các công ty niêm yết thông qua SPAC đã bắt buộc phải điều chỉnh và công bố lại báo cáo tài chính ngay trong năm đầu tiên.
Mặt khác, khi được niêm yết sàn Nasdaq, VinFast sẽ phải duy trì mức giá cổ phiếu tối thiểu là 4 USD và tổng giá trị cổ phiếu còn tồn đọng tối thiểu là 1,1 triệu USD. Theo quy định của sàn giao dịch này, nếu không thể duy trì mức giá 4 USD trong 30 ngày liên tiếp, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro bị hủy niêm yết. Đối với các công ty nhỏ không thể đáp ứng được yêu cầu tài chính của Nasdaq sẽ có sàn giao dịch dành riêng cho họ là Nasdaq Small Caps Market.
Điều này có nghĩa là, nếu SPAC rồi mà không ghi nhận giao dịch thì hoàn toàn cũng có thể bị huỷ niêm yết. SPAC để lên sàn là một chuyện, còn làm sao huy động được vốn mới và số tiền thực tế huy động được là bao nhiêu mới quan trọng. Sự thành bại sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sức mạnh nội tại và mức độ thu hút của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Xu thế chuyển dịch sang xe điện và nỗi lo mới của "đại gia" xăng dầu Sự phát triển của xe điện là điều tích cực đối với môi trường, song ở góc độ kinh tế, việc thay thế những chiếc ... |
Theo góc nhìn phân tích, việc một doanh nghiệp lớn như VinFast niêm yết ở sàn quốc tế được cho là sẽ thu hút được ... |
Chốt ngày niêm yết Mỹ, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng trần với thanh khoản kỷ lục Ngay trước phiên giao dịch bùng nổ hôm nay, chiều tối 10/8, VinFast - "sếu đầu đàn" phụ trách mảng xe của Vingroup đón nhận ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|