Thách thức của tân Chủ tịch Bamboo Airways, “người được chọn” “vén mây để thấy mặt trời”

(Banker.vn) Tiếp quản “ghế nóng” tại Bamboo Airways, Chủ tịch Lê Thái Sâm không chỉ nhận về áp lực nặng nề là đưa hãng bay này thoát lỗ, mà còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi lĩnh vực hàng không vốn mang tính chất đặc thù và thị trường đầy rẫy khó khăn.
“Ghế nóng” ngành hàng không không dễ tiếp quản, Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?
Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?

Áp lực của người “ngồi ghế nóng”

Chưa đầy một tháng sau ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 21/6, Bamboo Airways tiếp tục có biến động về nhân sự cấp cao.

Cụ thể, trong thông cáo phát đi vào ngày 11/7, hãng hàng không này cho biết đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của bốn thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hải, đồng thời thông qua cơ cấu ban quản trị và điều hành mới.

Theo đó, ông Lê Thái Sâm - Thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, thay cho người tiền nhiệm vừa nhậm chức cách đó chưa lâu, là ông Oshima Hideki. Doanh nhân người Nhật Bản vẫn góp mặt trong HĐQT mới của Bamboo Airways, nhưng với vai trò Phó Chủ tịch thường trực.

Người trước đó giữ chức này là ông Nguyễn Ngọc Trọng, sau tái cơ cấu, ông nắm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc mà ông Nguyễn Minh Hải để lại. Phó Chủ tịch còn lại là ông Lê Bá Nguyên, anh vợ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Việc điều chỉnh cơ cấu HĐQT và ban điều hành lâu nay vẫn được Bamboo Airways nhắc tới là một phần quan trọng trong công cuộc tái định hình tương lai của hãng hàng không này. Tuy nhiên, sự thay đổi ở hai vị trí cao nhất là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc trong một thời gian ngắn cho thấy, bộ máy của Bamboo Airways vẫn thiếu sự ổn định để hãng này có thể tiến những bước xa hơn.

Dù rằng cựu Chủ tịch Oshima Hideki và cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hải đều sở hữu “profile khủng” với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực hàng không và được tin tưởng sẽ “làm nên chuyện”, nhưng động thái “rút lui” bất ngờ của họ đang làm “phai mờ” kỳ vọng của giới kinh doanh đặt cho hãng bay trẻ tuổi.

Riêng với vị trí Chủ tịch HĐQT mà ông Lê Thái Sâm tiếp quản, cần biết, người tiền nhiệm của ông Sâm - doanh nhân Nhật Bản Oshima Hideki không chỉ có thâm niên trong ngành hàng không, mà còn được đánh giá cao về năng lực quản trị khi từng tham gia công cuộc tái cấu trúc Japan Airlines, đưa hãng bay này trở lại từ bờ vực phá sản và vươn lên đứng thứ hai tại Nhật Bản.

Áp lực đối với người kế nhiệm là Lê Thái Sâm chắc chắn không nhỏ. Tuy nhiên, có thể việc ông Oshima Hideki rời ghế Chủ tịch của Bamboo Airways chỉ sau vỏn vẹn 16 ngày để “lui xuống” làm phó chỉ là một nghiệp vụ “kỹ thuật”, và với sự tham mưu, tư vấn và giúp sức của ông Oshima Hideki, ông Lê Thái Sâm sẽ vượt qua mọi thách thức hiện hữu.

Còn nhớ, cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hải từng chia sẻ, ban quản trị của Bamboo Airways hy vọng dưới sự dẫn dắt của ông Oshima Hideki cùng ban điều hành mới, hãng bay này sẽ trải dài đôi cánh, vụt lên khỏi “vũng lầy” hiện tại, đi đến điểm hòa vốn và dự kiến có lãi vào năm 2024.

“Ghế nóng” ngành hàng không không dễ tiếp quản, Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?
Bức tranh tài chính của Bamboo Airways năm 2022

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022 của Bamboo Airways, theo BCTC, dù doanh thu ghi nhận sự cải thiện tích cực, đạt 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2021, nhưng hãng hàng không này vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, dẫn tới lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính tăng mạnh trong khi doanh thu tài chính giảm khiến Bamboo Airways ghi nhận tổng lỗ trước thuế năm 2022 cao kỷ lục, lên tới 17.619 tỷ đồng, gấp 7,7 lần năm 2021. Kết quả kinh doanh này đẩy tổng lỗ lũy kế tại ngày cuối năm 2022 lên mức 19.336 tỷ đồng, vượt qua vốn chủ sở hữu đang ở mức 18.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, toàn bộ tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả, trong đó nợ ngắn hạn lên tới 17.342 tỷ đồng, nợ dài hạn đạt 1.501 tỷ đồng. Số dư vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 10.114 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy, áp lực trả nợ rất lớn của Bamboo Airways trong năm 2023.

Quản trị một hãng bay tư nhân có dễ?

Thực tiễn đã minh chứng, việc quản trị một doanh nghiệp hàng không tư nhân từ trước đến nay vốn không hề dễ dàng, bởi lẽ, đây là một lĩnh vực rất đặc thù.

Trên thế giới, theo kinh nghiệm của một đơn vị tư vấn quản trị doanh nghiệp hàng đầu là McKinsey, trong suốt lịch sử gần 100 năm phát triển của ngành hàng không, mặc dù nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhưng nếu xét về mức sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC), ngành này luôn được xếp vào nhóm thấp nhất trong tất cả các ngành nghề. Điều này tạo ra áp lực không hề nhỏ cho những người quản trị.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhà quản trị doanh nghiệp hàng không sẽ luôn phải “chịu đựng” và xử lý bốn “nỗi đau” (pain point) cố hữu do đặc thù riêng biệt của ngành hàng không, bao gồm: vấn đề đầu tư và đòn bẩy tài chính lớn, tỷ lệ chi phí cố định cao, vấn đề giữ chân khách hàng và sự cạnh tranh gay gắt về giá.

“Ghế nóng” ngành hàng không không dễ tiếp quản, Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?
Các nhà quản trị doanh nghiệp hàng không phải xử lý những vấn đề đặc thù

Theo đó, hàng không là ngành yêu cầu vốn lớn với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu luôn nằm trong nhóm cao nhất. Mức đòn bẩy tài chính lớn này gây ra rất nhiều căng thẳng cho các doanh nghiệp hàng không, vì họ liên tục chịu áp lực phải tạo ra lãi để có thể thanh toán các khoản nợ gốc, lãi cho đơn vị vay. Đối chiếu với những số liệu tài chính của Bamboo Airways, đây cũng đang là vấn đề của doanh nghiệp này gặp phải.

Đồng thời, hàng không cũng là một ngành có tỷ lệ chi phí cố định rất lớn, bao gồm: chi phí thuê kho bãi, chi phí khấu hao máy bay và chi phí cho đội ngũ nhân viên. Đó là lý do, mặc dù không hoạt động trong thời gian dài của đại dịch, nhưng các hãng bay vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho các khoản chi phí cố định. Đến khi được “cất cánh” trở lại, họ phải tìm cách lấp đầy công suất, để có thể bù đắp chi phí. Một chuyên gia từng chia sẻ, chi phí về nhiên liệu, tiếp viên và phi công cho một chuyến bay quy mô 300 ghế hay một chuyến bay chỉ có 150 ghế là như nhau.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp hàng không cũng luôn gặp phải khó khăn trong việc duy trì sự trung thành của khách hàng. Thông thường, khách hàng sẽ lựa chọn những phương án có chi phí thấp nhất cho hành trình của mình. Từ mục đích cố gắng giữ chân khách hàng, các hãng bay rất dễ lao vào “cuộc chiến” về giá dẫn đến một mức biên lợi nhuận quá “mỏng” trong khi chi phí đầu tư cố định rất lớn.

Như vậy, về mặt lý thuyết, đó là những bài toán Bamboo Airways cần “hóa giải” để chinh mục mục tiêu có lãi từ năm 2024.

Chưa dừng lại ở đó, nhìn vào thực trạng của Bamboo Airways, các nhà quản trị hãng bay còn đang phải đối mặt với những khó khăn “khốc liệt” hơn.

Hiện, bất chấp Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường hàng không vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều khó khăn, xuất phát từ xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách nội địa và sự cạnh tranh của các loại hình đường bộ với hàng loạt các tuyến cao tốc đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, sự leo thang của xung đột Nga - Ukraine, sự mất giá của đồng yên (Nhật Bản), chính sách khuyến khích khách du lịch nội địa của Trung Quốc khiến dòng khách từ các quốc gia này đến Việt Nam sụt giảm và cũng là những yếu tố khiến cho tốc độ phục hồi của ngành hàng không nước ta chậm lại.

Đáng nói, suốt hai năm “chống chọi” với đại dịch, cũng như các hãng bay khác, “bộ đệm” tài chính của Bamboo Airways đã “mỏng” đi nhiều. Điều này khiến cho mục tiêu tăng quy mô sản xuất, mở rộng đội bay và mạng lưới bay của Bamboo Airways trở nên xa vời, thậm chí có hãng bay đang phải định hướng cắt giảm tàu bay, thu hẹp quy mô như một động tác “phòng thủ” trước một thị trường còn thiếu ổn định.

Cũng cần lưu tâm, trong trường hợp mở rộng mạng bay, Bamboo Airways sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề liên quan đến quyền vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như các hạn chế về mặt kỹ thuật như khung giờ cất hạ cánh, đòi hỏi phải thiết lập quan hệ hợp tác với các hãng bay khác và dung hoà lợi ích giữa các bên.

Khó khăn và thách thức càng lớn đặt ra yêu cầu càng cao đối với người “gánh vác” Bamboo Airways, cả về năng lực quản trị và bản lĩnh. Đây cũng là lý do mà không chỉ cổ đông mà cả dư luận hiện tại đều đang đổ dồn sự chú ý vào Chủ tịch Lê Thái Sâm.

Liên quan tới từ khoá “Bamboo Airways” đang nằm trong top thịnh hành trên Google Trends Việt Nam những ngày gần đây, cái tên “Lê Thái Sâm” cũng ghi nhận sự gia tăng đột phá về lượng tìm kiếm. Không chỉ dừng lại ở những động thái cùng Bamboo Airways, người ta còn quan tâm tới các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh trước đó của “người được chọn”.

“Ghế nóng” ngành hàng không không dễ tiếp quản, Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?
Lượng tìm kiếm liên quan đến ông Lê Thái Sâm trên Google gia tăng đột phá trong thời gian gần đây.

Trước khi về Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm điều hành kinh doanh thế nào?

Như Kinhtechungkhoan.vn thông tin trước đó, ông Lê Thái Sâm là doanh nhân thâm niên trong ngành sản xuất thép. Theo tìm hiểu, có ít nhất ba doanh nghiệp mang đậm dấu ấn của tân Chủ tịch Bamboo Airways, đó là Công ty CP Sắt thép Cửu Long thành lập năm 2001, Công ty CP Thép Thăng Long thành lập năm 2008 và Công ty TNHH Sun thành lập năm 2006.

Trong đó, sở hữu bề dày truyền thống nhất là thương hiệu Sắt thép Cửu Long, ra đời hơn 22 năm về trước, và là cảm hứng cho “doanh xưng” Sâm “thép” mà cộng đồng doanh nhân trìu mến trao tặng cho ông Lê Thái Sâm.

Bên cạnh đó, ông Lê Thái Sâm cũng tham gia HĐQT Công ty Đầu tư và Thương mại DIC (DIC - INTRACO) trong giai đoạn 2009 – 2012 và là Thành viên HĐQT Công ty CP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi) nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Liên quan đến những doanh nghiệp mà ông Lê Thái Sâm gắn bó lâu dài, trên thực tế, vị doanh nhân này đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cùng Sắt thép Cửu Long. Trong giai đoạn 2010 – 2011, doanh nghiệp này đã lọt vào bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report, đưa cái tên Sâm “thép” nổi lên trên thương trường.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng ngành thép năm 2014, cả Sắt thép Cửu Long và Thép Thăng Long đều không thể trụ vững và cùng bị “gọi tên” trong danh sách nợ thuế, với số tiền lần lượt là 16,8 tỷ đồng và 34,5 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, Thép Thăng Long đã dừng hoạt động, còn Sắt thép Cửu Long vẫn đang trong quá trình giải thể, theo công bố của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, trong số ba doanh nghiệp nơi ông Lê Thái Sâm thể hiện năng lực quản trị và điều hành, chỉ có Công ty TNHH Sun là đang hoạt động và kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, doanh thu của doanh nghiệp này không vượt quá 100 tỷ đồng, còn lợi nhuận chỉ được tính bằng tiền triệu.

Theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, năm 2022, Công ty TNHH Sun ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 72 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 38,6 triệu đồng, giảm 58% so với năm 2021, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

“Ghế nóng” ngành hàng không không dễ tiếp quản, Chủ tịch Lê Thái Sâm sẽ “lèo lái” Bamboo Airways ra sao?
Kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Sun liên quan đến Chủ tịch Lê Thái Sâm

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn của công ty này là 18,8 tỷ đồng, tương đương với một doanh nghiệp cỡ nhỏ. Trong đó, nợ phải trả là 14,6 tỷ đồng, gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu (hiện đang ở mức 4 tỷ đồng).

Những con số này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp này là “chẳng thấm vào đâu” so với Bamboo Airways. So với số 7.727 tỷ đồng mà Chủ tịch Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay hồi đầu năm 2023, tổng tài sản của Công ty TNHH Sun cũng chỉ là “con số lẻ”.

Mới đây, khoản tiền mà ông Sâm cho Bamboo Airways vay đã được hoán đổi thành vốn góp, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 26.220 tỷ đồng. Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch Lê Thái Sâm hiện sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của hãng.

Điều này đồng nghĩa với việc, lợi ích mà ông Sâm nhận được nếu Bamboo Airways khởi sắc cũng như áp lực “vực dậy” doanh nghiệp của nhà quản trị này là không hề nhỏ...

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways

Mặc dù được biết đến là một người kín tiếng nhưng mỗi lần doanh nhân Lê Thái Sâm có động thái mới trên thương trường ...

Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN "họ" Him Lam vay hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 48,52% vốn tự có

Him Lam Thủ đô, Đầu tư Hồng Bàng, Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Thương mại xây dựng Công Phúc... theo tìm hiểu đều là ...

Đại gia Dương Công Minh và con đường khởi nghiệp từ buôn xoài đến “ghế nóng” Sacombank

Dương Công Minh là cái tên “hot” được nhiều người tìm kiếm sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra liên ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục