Hễ Tết cứ rục rịch đến là “bài ca đi cùng năm tháng” lại văng vẳng khắp mọi ngõ ngách: “Sao ngày xưa, Tết vui thế nhỉ”. Hỏi khắp lượt bạn bè, trẻ có, già có thì hơn phân nửa lúc nào cũng thòm thèm được bé lại để vẫn còn đó nguyên vẹn niềm háo hức ngóng chờ Tết về, còn phân nửa lại gật gà gật gù: “Các cụ mình ngày xưa tài thật, thiếu thốn, khó khăn biết bao mà cái Tết lúc mình còn bé sao ấm áp và đáng nhớ thế cơ chứ”.
Thế là bao nhiêu lý do lại được viện đến để giải thích vì sao Tết của những ngày xưa vui đến thế. Nào là ngày xưa giao thừa, pháo nổ đì đùng, nào là dưa hấu, bánh chưng, thịt mỡ thòm thèm cả năm, nhưng chỉ có dịp Tết mới được ăn mà cũng phải dè chừng vì thuở ấy nhà nào cũng đông con, nào là cả năm ngóng chờ, chỉ có mỗi dịp Tết mới được bộ quần áo mới xúng xính đi chơi Tết.
Nhiều khi thời gian cuồn cuộn trôi, người ta cứ mải mê tiếc nuối Tết nay sao không còn vui như xưa mà không có một phút nào ngừng lại suy ngẫm lý do thật ra là gì? Cái gì đã mang Tết đến với tuổi thơ? Trẻ con ngày xưa do đâu mà ngóng Tết đến thế? Thế là không khéo lại đổ oan cho bản thân cái Tết trong khi lỗi nằm ở chính chúng ta.
Khó ai dám mạnh miệng tuyên bố bánh chưng ngày xưa ngon hơn bánh chưng làm sẵn bây giờ. Thậm chí bánh chưng làm sẵn còn đầy đủ nếp, đậu, thịt mỡ hơn ngày xưa ấy chứ. Thế nhưng, cái Tết có đầm ấm, đáng nhớ hay không đâu nằm ở bao nhiều gam thịt mỡ, bao nhiêu gam đậu, mà lại nằm ở cái việc mẹ cùng con tất bật gói bánh, rồi cả gia đình quanh quần bên nồi bánh với bao câu chuyện rôm rả. Tết phải gói bánh, vất vả trông nồi bánh, bày biện mâm ngũ quả, làm bao nhiêu việc theo phong tục truyền thống dân tộc thì mới gọi được Tết về nhà, mới có được cái không khí xuân tràn qua khắp nẻo.
Ngày xưa, việc chuẩn bị Tết cũng lắm công phu chứ đâu phải ào ào góp nhặt mỗi nơi một tí để làm thành cái Tết “công nghiệp hóa” như bây giờ. Thậm chí với nhiều gia đình trẻ, Tết còn là dịp nghỉ ngơi dài ngày để đi... du lịch. Ngày xưa, trước Tết ít tháng, bố mẹ đã phải dần chuẩn bị để cho con mình cái Tết thật vẹn tròn, ấm áp. Cành mai, cành đào bố chăm chút cả một năm trời mới “thu hoạch” được những bông hoa đẹp đến nao lòng vào dịp Tết. Thời buổi tem phiếu, thậm chí mẹ cũng phải có một “chiến lược” hẳn hoi để có được ít thịt mỡ, nếp ngon cho chiếc bánh chưng dâng lên tổ tiên và đất trời.
Ngày ấy khó khăn đến đâu thì ông bà, bố mẹ vẫn cố gắng gìn giữ cho con biết bao phong tục hay. Từ đó, trẻ con lớn lên với bao bài học làm người bình dị, gần gũi mà chắc chẳng trường lớp, sách vở nào đủ sức làm chúng nhớ lâu đến thế. Ấy là phải sống tốt, hướng thiện vì ông Táo sẽ “mách” hết với Ngọc Hoàng. Đó còn là lòng tôn kính với tổ tiên ông bà qua cặp bánh chưng vuông vức, là phải học ngoan, học giỏi theo truyền thống hiếu học khai bút đầu xuân của dân tộc...
Như ai đó đã đúc kết, việc người ta cứ hoài niệm, thắc thỏm tiếc nuối, so sánh cái bây giờ với cái ngày xưa cũng là một đặc trưng của Tết dù cái ngày xưa ấy với một cụ già có thể tính bằng vài thập kỷ, còn với một người trẻ thì có thể chỉ là đôi năm. Ắt hẳn với những người mà tâm trí đã đầy ắp những hoài niệm thì Tết xưa đúng là vui hơn Tết nay! Trẻ con ngày nay lớn lên với việc Tết là đi du lịch, là đồ mua sẵn, được đơn giản hóa hết mức thì đúng là thiệt thòi quá. Đâu rồi những ký ức Tết tuổi thơ? Đâu rồi những bài học hay con học được từ Tết?
Nhiều khi người ta chỉ ngồi than thở, tiếc nuối về Tết xưa trong khi chỉ cần bỏ ra thêm vài tiếng đồng hồ, cực một chút đi gói bánh, làm lễ tiễn ông Công ông Táo cho thật tử tế... là con trẻ có được cái Tết trọn vẹn và học được bao điều hay. Mỗi khi Tết đến xuân về, bố mẹ hãy sẵn sàng cho con cái Tết đúng nghĩa.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|