Tết Đoan Ngọ làm lễ cúng vào giờ nào để gặp may mắn, văn khấn Tết Đoan Ngọ

(Banker.vn) Tết Đoan ngọ diễn ra vào mùng 5/5 Âm lịch, chính xác là thời điểm giữa trưa. Đoan có nghĩa là mở đầu, ngọ là thời điểm giữa trưa, lúc dương khí cực thịnh.
Tết Đoan ngọ là ngày nào? Vì sao Tết Đoan ngọ là ngày diệt sâu bọ Những điều nên và không nên làm trong ngày Tết Đoan ngọ

Theo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5/5 Âm lịch hằng năm. Đây là ngày tết truyền thống của một số quốc gia, vùng lãnh thổ Đông Á, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Đài Loan (Trung Quốc). Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan ngọ được xem là một trong những Lễ, Tết quan trọng bậc nhất.

Tết Đoan ngọ - Đoan dương diễn ra vào mùng 5/5 Âm lịch, chính xác là thời điểm giữa trưa. Đoan có nghĩa là mở đầu, ngọ là thời điểm giữa trưa, lúc dương khí cực thịnh.

Tết Đoan ngọ năm nay rơi vào thứ Hai ngày 10/6 Dương lịch. Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, người dân làm lễ cúng Tết Đoan ngọ với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu, cũng như tiêu diệt những loài gây bệnh cho con người, vật nuôi.

Thời gian cúng Tết Đoan Ngọ trong khoảng 11-13h trưa. Ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc Mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.

Thị trường Tết Đoan Ngọ khá sôi động
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ

Việc ăn trái cây và rượu nếp vào ngày 5/5 Âm lịch là cách để diệt trừ sâu bọ. Nghi thức này bao gồm súc miệng ba lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp để làm sâu bọ say và ăn trái cây để giết sâu bọ.

Ở một số nơi, người dân còn có tập quán ăn bánh gio, chè trôi nước, hạt sen để diệt trừ sâu bọ và bệnh tật trong người. Nhiều người còn tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ.

Nhiều địa phương ven biển, vào Tết Đoan ngọ, người dân chờ đúng giờ Ngọ đi tắm biển để cầu bình an khỏe mạnh vì theo quan niệm dân gian, đây là ngày khí dương mạnh nhất trong năm, giờ Ngọ là giờ dương khí mạnh nhất trong ngày.

Cũng với quan niệm đó, nhiều người hái các loại thảo dược đúng thời điểm này vì cho rằng đây là lúc dược tính trong cây cỏ cao nhất.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ theo phong tục người xưa thường có các lễ vật là hoa tươi, vàng mã, hương, nước sạch; Cơm rượu nếp, nếp cẩm, chè; Bánh đa, củ lạc luộc; Hoa quả có vị chua như quả mận, quả vải...

Tùy theo địa phương mà mâm cỗ cúng có thể có thêm những lễ vật khác, lễ vật đặc trưng ở miền Bắc là bánh gio, bánh được làm từ gạo nếp ngâm cùng nước gio của các loại lá cây khô, gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Hay người dân miền Trung lại có món đặc trưng trong dịp tết Đoan Ngọ là thịt vịt, bởi theo quan niệm tháng 5 âm lịch, thời tiết nắng nóng, ăn thịt vịt tính hàn sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn.

Đặc biệt, chè kê là món ăn đặc trưng của người Huế mỗi dịp tết Đoan Ngọ. Người ta ngâm hạt kê rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng.

Còn người dân miền Nam lại thường có lễ vật trong mâm cúng tết Đoan Ngọ là chè trôi nước được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường.

Văn khấn Tết Đoan Ngọ chi tiết và đầy đủ (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá thông tin):

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).

Tín chủ chúng con là...

Ngụ tại...

Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa, trà, quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành Hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ...

Con thành tâm cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an, thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương