Tết chưa về nơi biên giới Việt - Lào: “Em chưa bao giờ có đôi giày mới để đi”

(Banker.vn) Những ngày giáp tết, người người nhà nhà lo sắm sửa để có một cái Tết đủ đầy, nhưng với nhiều em nơi biên giới Việt - Lào, Tết vẫn còn xa lắm.
Ngăn chặn nguy cơ buôn lậu dầu ở khu vực biên giới Việt- Lào

Những chiếc áo mỏng manh và những đôi dép thủng

Trong một chuyến công tác vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có dịp dừng chân tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê). Nơi đây có vị trí địa lí đặc biệt cách trở và là một vùng đất giáp biên giới với nước bạn Lào. Bản này có hơn 50% là người dân tộc Lào Thưng sinh sống - vùng dân cư tách rời với các vùng khác của xã và là một vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Từ thị trấn miền núi Hương Khê, chúng tôi đã hỏi đường vào bản Phú Lâm heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Hơn hai tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều cung đường khúc khuỷu, gồ ghề, chúng tôi mới đến bản khi trời đã khá trưa, sương mù lãng đãng tan dần nhưng tiết trời khá lạnh. Người dân ở đây vào rừng hái lá dong, đi vác, bóc vỏ cây tràm thuê từ mờ sáng, để lại bản làng quạnh hiu...

Tết chưa về nơi biên giới Việt - Lào: “Em chưa bao giờ có đôi giày mới để đi”
Điểm trưởng bản Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) có 9 em học sinh có hoàn cảnh đặc biết khó khăn

Tìm đến điểm trường Phú Lâm thuộc Trường tiểu học Phú Gia, ai cũng lấy làm ngạc nhiên vì các em phải học lớp ghép và thiếu trang thiết bị dạy học. Điểm trường có ba lớp thì lớp 2 + 3 học chung 1 phòng, lớp 4 + 5 học chung 1 phòng với 2 cái bảng đối diện nhau. Các em ngồi học co ro, khúm núm với những chiếc áo mỏng manh sờn cổ. Có em đi những đôi dẹp đứt thủng lỗ, dính đầy bùn đất…

Cô Bùi Thị Hồng Hoài, đứng lớp 2 + 3 cho biết: "Gia đình các em học sinh ở đây sống dựa vào rừng là chính. Nay rừng bị cấm, ruộng nương ít, nhà nào cũng thiếu trước hụt sau. Những ngày mưa gió, có những gia đình cầm cự qua ngày bằng củ sắn, củ mài. Việc lo cho con cái đến trường còn thiếu đủ bề thì việc sắm sửa Tết cũng không được chú tâm, vì lấy gì để sắm?".

Theo cô Hoài, điểm trường này đều là học sinh khó khăn, trong đó có 9 em đặc biết khó khăn. Như em Phạm Trung Kiên, học lớp 5, bị suy thận từ năm 3 tuổi. Tháng nào Kiên cũng được bố mẹ đưa ra Hà Nội chạy thận. Mỗi lần đưa con đi điều trị, đối với bố mẹ Kiên là cả một vấn đề. Những ngày bốc vác cây keo, cây tràm thuê của bố Kiên không kham nổi tiền thuốc men, phải cầm cố thêm bìa đất cho ngân hàng. Trong nhà Kiên không có thứ gì đáng giá ngoài những chai lọ thuốc Tây treo khắp nơi…

Hoàn cảnh em Phan Thị Ngọc Dao, học lớp 2 cũng khó khăn không kém. Mẹ thì ốm yếu thường xuyên, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Nhà có 5 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào những ngày đi bóc vỏ keo thuê của bố. Tài sản có giá trị nhất của nhà Dao chỉ mỗi chiếc giường ngủ. Tối đến đắp chăn còn chưa đủ ấm, huống hồ chi mấy chị em Dao nghĩ về cái tết năm này.

Cô Hoài kể, sáng ngày 13/1/2023 (22 tháng Chạp năm Nhâm Dần) thầy hiệu phó gọi điện thông báo có đoàn cán bộ phòng giáo dục lên điểm trường thăm quan. Cô có nhắc nhở các em học sinh đi giày dép, ăn mặc áo mới để đón đoàn thì em Dao nói: “Cô ơi, từ nhỏ đến giờ, em chưa bao giờ có đôi giày mới để đi…”.

Nghe Dao nói, cô Hoài động lòng, ngậm ngùi nhìn những học trò nghèo mà không biết làm sao. Cô chỉ mong sớm có cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân nào đó biết, để hỗ trợ cho các em ít phần quà, suất bánh đón xuân.

Canh cánh nỗi lo một cái Tết đủ đầy cho các em

Theo thầy Dương Văn Thuần, Hiệu phó Trường tiểu học Phú Gia, vào những năm 1940 của thế kỷ trước, người Lào sang bản Phú Lâm làm ăn, lấy vợ rồi sinh con, định cư trở thành dân tộc Lào Thưng.

Cho đến bây giờ đời sống dân cư ở đây đã thay đổi nhiều so với trước kia nhưng vì địa hình cách trở, xa trung tâm huyện nên cơ hội và tiềm năng phát triển còn hạn chế. Cuộc sống của người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, trồng rừng, thiếu thốn không thể chăm lo được cái tết ấm cúng trong gia đình.

Tết chưa về nơi biên giới Việt - Lào: “Em chưa bao giờ có đôi giày mới để đi”
Các em học sinh ở bản Phù Lâm phải học ghép, lớp 2 + 3 học chung 1 phòng, lớp 4 + 5 học chung 1 phòng với 2 cái bảng đối diện nhau

“Cuộc sống người dân ở đây thiếu thốn quanh năm thì khó lo được cái tết đủ đầy cho các em. Ban giám hiệu nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên, học sinh quyên góp “Tết vì bạn nghèo”. Chúng tôi đã vận động được 7 triệu đồng, dự kiến sẽ mua bánh kẹo, áo quần về trao cho học sinh ở điểm trường Phú Lâm”, thầy Thuần, trải lòng.

Cũng theo cô Hoài, biết được hoàn cảnh khó khăn của nhiều học sinh tại điểm trường, một số bạn sinh viên ở bản Phú Lâm đang theo học Trường Đại học Hà Tĩnh đã chia sẻ với Hội sinh viên trường này và kêu gọi các thầy cô, các bạn sinh viên và những tấm lòng thơm thảo khác cùng chung tay, góp sức, chia sẻ, lan tỏa để mang tết về với các em nhỏ nơi đây.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Biện Văn Quyền, chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh cho hay: "Biết được hoàn cảnh khó khăn của các em, chúng tôi đã kêu gọi và có một số suất quà là nhu yếu phẩm trao tặng cho học sinh ở bản Phù Lâm. Dù chỉ là những món quà nhỏ nhưng chỉ mong các em ấm lòng vài ba ngày Tết".

Trước khi rời bản Phù Lâm, chúng tôi có hỏi tâm tư của các cô ở đây thì ai cũng nói, ngoài mong muốn học sinh có một cái Tết ấm cúng chỉ mong mỏi các em có phòng học riêng với đầy đủ trang thiết bị để học tập.

Chúng tôi rời bản làng cũng là lúc trời chạng vạng tối, giữa cái rét tê tái của mùa đông, giữa những chộn rộn của một năm mới sắp đến khiến chúng tôi đau đáu khi nghĩ về cuộc sống và tương lai của các em liệu sẽ ra sao?

Văn Định

Theo: Báo Công Thương