Bộ Y tế thông tin về đường dây sản xuất thuốc giả Đẩy nhanh điều tra, sớm đưa ra kết luận vụ thuốc giả Cục Quản lý Dược 'mách nước' để không mua phải thuốc giả |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng vừa có Công văn số 113/QLD-CL gửi các Sở Y tế thông báo 21 loại thuốc giả trong vụ án do Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
![]() |
Trong 21 thuốc giả, có 16 thuốc giả ghi nhãn không trùng với các thuốc đã từng được cấp số đăng ký |
Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.
Cụ thể, 4 loại thuốc giả trên nhãn ghi thông tin sau:
Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), SĐK: VD-14429-11; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion. Riêng thuốc này chưa có thông tin trên nhãn. Song, Cục Quản lý dược cho biết, với thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có các thông tin chính thức như sau: số giấy phép lưu hành 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế là viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên. Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500.
16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành bao gồm: Nhức khớp tê bại hoàn; Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc thoái hóa Singapore); Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; Professor’s Pill (khớp xanh); Mujarhabat Kapsul (khớp đỏ); Gai cốt hoàn; Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; Phong tê nhức Bạch Xà Vương; Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; Đa xoang mũi; Viên vai cổ; Yuan Bone; Thoái cốt hoàn plus; Thoái hóa nhức khớp hoàn plus; Thoát hóa tọa cốt đơn.
Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc.
Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ thuốc giả, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
![]() |
Các đối tượng sản xuất thuốc giả và tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hoá |
Như Báo Công Thương đã đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên toàn quốc do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) cầm đầu. Chỉ trong 4 năm, nhóm này đã tự bào chế, đặt tên và gắn mác hàng loạt loại thuốc giả, chủ yếu là thuốc trị xương khớp rồi đưa ra thị trường tiêu thụ, thu lợi gần 200 tỷ đồng. Theo cơ quan công an, nhóm đối tượng này sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Theo Bộ Y tế, "thuốc giả không xâm nhập được vào bệnh viện công" do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. |