Tây Ninh: Lừa đảo trên mạng và hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp

(Banker.vn) Theo Công an tỉnh Tây Ninh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng tăng và phức tạp.
Tìm nạn nhân đường dây tín dụng đen cho vay lãi 2.000%/năm qua app Oncredit, Easycash Thanh Hóa: Khởi tố 240 vụ án với 350 bị can liên quan đến “tín dụng đen” Lai Châu: Huyện Sìn Hồ đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với ''tín dụng đen''

Các đối tượng đều có tiền án, tiền sự

Ngày 18/7, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ tỉnh Tây Ninh tổ chức “Hội nghị sơ kết công tác báo chí 6 tháng đầu và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024”, Thượng tá Võ Thành Kim – Phó Phòng An ninh - Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng tăng và diễn biến tương đối phức tạp.

Tây Ninh: Lừa đảo trên mạng và hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp
Thượng tá Võ Thành Kim – Phó Phòng An ninh - Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Tây Ninh chia sẻ thông tin tại hội nghị

Sau khi ngân hàng siết chặt việc vay vốn, lợi dụng việc người dân có nhu cầu vay tiền để kinh doanh, làm ăn, tình hình trên tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” hoạt động phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định tình hình an ninh trật tự.

Một số cơ sở, đối tượng núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính (có phép hoặc không phép, treo biển hoặc không treo biển) tổ chức rải tờ rơi, dán quảng cáo, đăng thông tin trên các trang mạng xã hội... (thực chất là hoạt động tín dụng đen), từ đó nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội.

“Đối tượng hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen” hầu hết có tiền án, tiền sự, và hoạt động rộng, liên huyện, rải tờ rơi quảng cáo ở các khu dân cư. Chúng mồi chài người dân vay với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn... để sập bẫy vào đường dây cho vay của bọn chúng. Số tiền cho vay không đúng thực tế, ít hơn nhiều so với số tiền người vay nhận được (trừ tiền phí vay, tiền đóng lãi trước...), sau thời gian đóng lãi gần hết nhưng vẫn bị các đối tượng ép quay vòng số tiền vay hoặc viết giấy nợ với số tiền cao hơn số tiền gốc”, Thượng tá Võ Thành Kim thông tin.

Ngoài ra, để không cho người vay thoát nợ, các đối tượng theo dõi người vay về tận nhà để nắm thông tin, với lãi suất cao chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền lãi liên tục tăng, số tiền vay gốc và lãi nhanh chóng lớn dần làm người vay mất khả năng trả nợ, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để xiết nợ như đổ chất bẩn, khủng bố tinh thần, đe dọa gây thương tích, giết người, bắt giữ người trái pháp luật.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức mở cao điểm đợt tấn công, truy quét tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” từ 15/9/2023 - 15/3/2024.

Hiện Công an tỉnh đang quản lý 64 đối tượng hoạt động đơn lẻ, 2 nhóm 6 đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, bắt 15 vụ 22 đối tượng thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 9 vụ 11 bị can, xử phạt hành chính 6 vụ 11 đối tượng với tổng số tiền 82,5 triệu đồng.

Giả danh cán bộ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, tinh vi, gây ra thiệt hại tài sản đặc biệt lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương đã khởi tố 21 vụ, 14 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng.

Tây Ninh: Lừa đảo trên mạng và hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp
Các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo phạm tội qua điện thoại để đe doạ yêu cầu chuyển tiền…(Ảnh minh hoạ)

Các đối tượng thông qua hình thức lôi kéo tham gia nhóm kín, đầu tư trên các sàn tiền ảo; vay tiền nhanh qua mạng; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội, nhắn tin người thân, bạn bè mượn tiền. Đặc biệt, giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án thông báo phạm tội qua điện thoại để đe doạ yêu cầu chuyển tiền…

Nguyên nhân gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là do nhận thức và sự am hiểu về công nghệ của quần chúng nhân dân còn hạn chế, cùng với tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác, một số người do tâm lý hám lợi nên đã bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo.

Các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo, sau đó chuyển tiền qua nhiều trung gian khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng sim rác, đăng ký thông tin thuê bao không chính chủ còn nhiều nên việc xác minh thông tin các đối tượng phạm tội qua thông tin đăng ký thuê bao không hiệu quả.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Tây Ninh đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến công nghệ cao, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đề xuất Bộ Công an trang bị máy móc công nghệ hiện đại, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên sâu cho lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao đáp ứng tình hình hiện nay; tập trung phối hợp, trao đổi thông tin với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố để điều tra, xử lý các vụ việc, không để hình thành các đường dây phạm tội có tổ chức, gây bức xúc trong nhân dân.

Đồng Lê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục