Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021

(Banker.vn) Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra; phấn đấu năm 2021 tăng trưởng kinh tế đạt từ 6-6,5%. Đó là những nội dung trong Nghị quyết số 195/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển; yêu cầu từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó phấn đấu điều hành tăng trưởng kinh tế đạt từ 6-6,5%; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tiếp thu và xử lý các kiến nghị của địa phựơng theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; kịp thời, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2021; Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1711/CĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2020 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, năm 2021, Chính phủ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng Thành viên Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, khơi dậy tinh thần hăng say, nhiệt huyết, cống hiến, đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch COVID-19; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu với quyết tâm cao nhất, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

Chính phủ cũng yêu cầu trong năm 2021, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, đồng thời quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật.

Các bộ, ngành tập trung nguồn lực xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để xử lý những khó khăn, vướng mắc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của dự án. Đối với các dự án luật Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, các bộ, ngành được giao chủ trì cần bám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn của dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng; đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực vào năm 2021; hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và xây dựng các nền tảng công nghệ số hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, các loại hình kinh doanh mới, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, dữ liệu số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh…

H.P

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: