Tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

(Banker.vn) Cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính sáng 8/5 nhằm rà soát tiến độ đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh; phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Những thủ tục hành chính lĩnh vực hóa chất có hiệu lực từ 19/5 Cắt giảm thủ tục hành chính, cổ đông lớn dễ dàng chuyển nhượng cổ phần

Sáng 8/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc họp trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính với 3 bộ, 8 địa phương: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh.

Cuộc họp nhằm rà soát tiến độ đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh; phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính nội bộ; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính và giấy tờ công dân; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp; tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; số hoá hồ sơ; công khai thủ tục hành chính; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; xử lý kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân…

Tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang họp trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính với 3 bộ, 8 địa phương

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tỉ lệ hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia của các bộ chưa cao, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới đạt 14%, Bộ Ngoại giao đạt 12%.

Trong khi đó, các địa phương đạt tỉ lệ hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công cao hơn như Tây Ninh đạt 93,7%, Quảng Ninh đạt 90,8%, Hà Nội đạt 49,89%, TP. Hồ Chí Minh đạt 25,97%.

Về tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Đà Nẵng đạt tỉ lệ 67,56%, Tây Ninh đạt 52,66%, Hải Phòng đạt 30,97%, Quảng Ninh đạt 28,69%, TP. Hồ Chí Minh đạt 26,33%, Hải Dương đạt 19,37%, Hà Nội đạt 10,71%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 80%.

Đối với tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 17,36%, Tây Ninh đạt 36,81%, Quảng Ninh đạt 31,81%, Hà Nội đạt 13,84%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra của Chính phủ là 45%.

Các địa phương khác đạt tỉ lệ từ trên 53% trở lên, trong đó Hải Dương đạt tỉ lệ cao nhất là 71%.

Về xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 100% phản án kiến nghị. Một số địa phương có tỉ lệ hài lòng trong xử lý kiến nghị cao gồm Tây Ninh đạt 95%, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đạt 96%, Hải Dương và Hải Phòng đạt khoảng 93%.

Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, trong đó có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện.

Các địa phương cũng đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ trong kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục hoàn thiện tính năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia; sớm công bố công khai thủ tục hành chính theo đúng Nghị định 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 92/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, Quảng Ninh đề nghị sớm hoàn thành phần mềm quản lý hệ thống thông tin đất đai để thống nhất sử dụng trên toàn quốc; có cơ chế chính sách mới về đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho chuyển đổi số. Tây Ninh đề nghị rút ngắn thời gian cấp thiết bị ký số.

Tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Về kết quả, Phó Thủ tướng đánh giá, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những bước chuyển biến tích cực, thực chất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tình trạng công bố, công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; một số bộ, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công chưa thực chất; việc số hóa vẫn còn chậm, và chưa phát huy được hiệu quả; tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp; chưa bảo đảm việc đồng bộ tình trạng hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực cố gắng, tăng tốc thực hiện những mục tiêu đặt ra theo phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính đã được phê duyệt cho năm 2024.

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát thủ tục hành chính nội bộ vốn còn nhiều và còn chồng chéo, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2024 để tổng hợp, gửi các bộ, địa phương công bố, rà soát.

Các bộ, địa phương phải thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; cố gắng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công toàn trình để đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu số hóa; bảo đảm an toàn an ninh hệ thống.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục