Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới muốn làm dự án 6 tỷ USD tại cảng Cần Giờ

(Banker.vn) MSC hiện đang sở hữu hoặc thuê lượng tàu có thể chuyên chở được 4.284.728 container, vượt qua tổng khả năng chuyên chở 4.282.840 container của Maersk. Cũng từ thời điểm này, MSC đã vượt qua Maersk để trở thành hãng vận tải đường biển chở hàng container lớn nhất thế giới.
Tập đoàn vận tải biển Mediterranean Shipping Company (MSC) muốn làm dự án cảng 6 tỷ USD tại cảng Cần Giờ
Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD

Vừa qua, thông tin Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn đề xuất đầu tư Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ (cảng Cần Giờ) vẫn không ngừng tạo được sự quan tâm.

Được biết, dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ là một dự án rất lớn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD và có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới  có tên là Mediterranean Shipping Company (MSC) được thành lập từ năm 1970 bởi thuyền trưởng người Ý Gianluigi Aponte với con tàu đầu tiên “Patricia”, tiếp theo là Rafaela với tuyến vận chuyển giữa Địa Trung Hải và Somalia năm 1977.

Đến năm 1989, MSC đã mua lại công ty khai thác tàu du lịch Lauro Lines. Kể từ tháng 10 năm 2014, ông Diego Aponte (con trai của người sáng lập MSC Gianluigi Aponte) được bổ nhiệm làm chủ tịch và CEO của MSC.

MSC theo đuổi chiến lược xây dựng đội tàu chở hàng cỡ lớn để vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp. Chiến lược của MSC là mua tàu chở hàng cỡ lớn bởi loại tàu này có khả năng vận hành hiệu quả hơn tàu nhỏ. Dù tàu cỡ lớn có chi phí vận hành cao hơn, nhưng có khả năng chở nhiều container hơn nên nếu được chất đầy hàng, mỗi chuyến vận tải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với tàu cỡ nhỏ.

Hiện các tàu chở hàng của MSC giao thương trên 215 tuyến thương mại tại 500 cảng trên thế giới. Ngoài ra, MSC nổi tiếng với việc sở hữu những chiếc tàu có công suất chở hàng lớn nhất thế giới. Năm 2015, công ty nhận chuyển giao tàu chở container lớn nhất thế giới thời điểm đó, MSC Oscar, với công suất hơn 19.000 TEU từ tập đoàn Daewoo.

Theo số liệu thống kê của Công ty phân tích vận tải biển Alphaliner, tính đến ngày 5/1/2022, MSC đã sở hữu hoặc thuê lượng tàu có thể chuyên chở được 4.284.728 container, vượt qua tổng khả năng chuyên chở 4.282.840 container của Maersk.

Cũng từ thời điểm này, MSC đã vượt qua Maersk để trở thành hãng vận tải đường biển chở hàng container lớn nhất thế giới sau 25 năm Maersk nắm giữ vị trí này. MSC đã hiện diện trên tất cả các cảng quan trọng nhất toàn cầu cùng thị phần khoảng 18% trong ngành vận tải biển.

Tính tới thời điểm đầu năm 2023, MSC sở hữu hơn 700 tàu chở hàng, hơn 500 văn phòng tại 155 quốc gia cùng 180.000 nhân viên đang làm việc cho hãng. Tháng 3 năm 2023, hãng tiếp tục phá vỡ kỷ lục trên khi sở hữu thêm 2 tàu chở hàng MSC Tessa và MSC Irina với công suất lần lượt là 24.116 và 24.345 TEU, củng cố thêm cho đội tàu vốn đã rất dày của MSC.

Theo các chuyên gia, điều đáng nói ở đây là kể từ tháng 1/2025, MSC sẽ ngừng hợp tác với Maersk, hoạt động độc lập và hãng sẽ cần thiết kế lại mạng lưới vận chuyển của mình ngay từ lúc này. Trước đây MSC sử dụng chung cảng trung chuyển với Maersk, là cảng Tanjung Pelepas (Malaysia). Nếu Cần Giờ được phát triển kịp thời và MSC được chấp thuận đầu tư, họ sẽ dịch chuyển lượng hàng trung chuyển về Cần Giờ.

MSC xuất hiện tại vùng biển Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2003 và đã đầu tư rộng rải vào các lĩnh vực vận tải hàng hóa trong nhiều năm qua. Tại khu vực miền Nam Việt Nam, MSC cung cấp dịch vụ vận tải hàng từ Cảng Vũng Tàu tới các khu vực bờ Tây và bờ Đông Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trụng Quốc.

Tại khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam, công ty cũng cung cấp một vài dịch vụ trung chuyển hàng hóa tới Tanjung Pelepas và Singapore và một vài khu vực khác.

MSC hiện đang đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam ở các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM và Quy Nhơn.

Dự án cảng Cần Giờ được dự kiến sẽ trải qua 7 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2024 và đưa vào hoạt động vào năm 2040. MSC đánh giá dự án có tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược của mình những năm tới đây.

Ở một diễn biến khác, Tập đoàn MSC xác nhận rằng họ đã ký kết thỏa thuận mua cổ phần với Bolloré SE liên quan đến việc mua lại 100% cổ phần của Bolloré Africa Logistics (bao gồm tất cả các hoạt động vận chuyển, hậu cần và thiết bị đầu cuối của Tập đoàn Bolloré tại Châu Phi, như hoạt động đầu cuối của nó ở Ấn Độ, Haiti và ở Timor-Leste) với giá mua dựa trên giá trị doanh nghiệp, ròng của lợi ích thiểu số, là 5,7 tỷ euro.

Việc ký kết thỏa thuận này được thực hiện theo một quy trình tham vấn kỹ lưỡng và tích cực với sự tham gia của đại diện các nhân viên của Bolloré Group.

Việc hoàn thành vẫn tùy thuộc vào việc nhận được phê duyệt, bao gồm cả từ các cơ quan cạnh tranh có liên quan.

Việc mua lại Bolloré Africa Logistics tái khẳng định cam kết lâu dài của Tập đoàn MSC trong việc đầu tư vào châu Phi và tăng cường chuỗi cung ứng trên khắp châu lục, cũng như kết nối nó với phần còn lại của thế giới.

Quý III/2023, lãi ròng của PNJ đi ngang so với năm 2022

Sau 9 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 23.617 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận ...

Vi phạm về thuế, Tập đoàn KIDO (KDC) bị xử lý gần 21 tỷ đồng

Qua thanh tra, Tổng cục Thuế phát hiện nhiều lỗi vi phạm về thuế của Tập đoàn KIDO. Với những hành vi này, KIDO bị ...

Biến động thị trường khiến doanh thu của KIDO “sụt giảm” gần 30% ở quý III/2023

Công ty CP Tập đoàn KIDO (KDC: HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với lợi nhuận tăng trưởng ấn ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán