Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tại Bình Định

(Banker.vn) UBND tỉnh Bình Định giao các sở, ngành, địa phương liên quan làm việc với Tập đoàn PNE để thống nhất khu vực khảo sát, tránh việc chồng lấn giữa các dự án.
Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tại Bình Định
Tổng diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định là 96.470 ha

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan làm việc với nhà đầu tư để thống nhất khu vực khảo sát, tránh việc chồng lấn giữa các dự án về khu vực đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên Bang Đức).

Đối với đề xuất dự án này, trước đó, ngày 10/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu cũng đã Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định của pháp luật nhà nước, trả lời và hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư biết để triển khai thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngày 22/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu trong quá trình thực hiện khảo sát, nghiên cứu Nhà đầu tư phải phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan để thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn và không ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển. Thời gian cho phép nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu là 12 tháng, kể từ ngày cho chủ trương.

Ngày 29/12/2020, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản, gửi Bộ Công Thương, cho biết, Tập đoàn PNE được UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

Theo báo cáo đề xuất của Tập đoàn PNE và đơn vị tư vấn lập Hồ sơ đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy hoạch (Viện Năng lượng), Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định có tổng quy mô công suất 2.000MW, được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025; Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026 và Giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Tổng diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định là 96.470 ha. Diện tích chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Phương án đấu nối của Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào hệ thống điện quốc gia, theo đề xuất của đơn vị tư vấn thì giai đoạn thí điểm, công suất 700MW sẽ xây dựng đường dây 220kV mạch kép từ trạm gom nâng áp trên bờ của Nhà máy đến đấu vào thanh cái 220kV của trạm biến áp 220kV Phù Mỹ hiện hữu.

Trong giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW sẽ lắp đặt 1 máy biến áp nâng áp 220/500kV, công suất 900MVA tại trạm gom nâng áp của Nhà máy và xây dựng đường dây 500kV mạch kép từ Nhà máy đến đấu vào thanh cái 500kV của trạm biến áp 500kV Bình Định.

Và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW sẽ lắp đặt thêm 1 máy biến áp nâng áp 220/500kV, công suất 900MVA tại trạm gom nâng áp của Nhà máy và đấu nối chung vào đường dây 500kV mạch kép đã xây dựng trong giai đoạn mở rộng 1.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lúc đó cho rằng, việc đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định của Tập đoàn PNE là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 và tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định nêu trên vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), làm cơ sở để xúc tiến đầu tư dự án theo quy định.

Nhiệt Băng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục