Tập đoàn Hương Sen bị cưỡng chế gần 219 tỷ đồng nợ thuế

(Banker.vn) Tập đoàn Hương Sen bị Cục Thuế tỉnh Thái Bình cưỡng chế gần 219 tỷ đồng nợ thuế do chậm thực hiện nghĩa vụ thuế. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 đến 8/1/2025, áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Cục Thuế tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định cưỡng chế đối với Công ty CP Tập đoàn Hương Sen với số tiền gần 219,4 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 đến ngày 8/1/2025, áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hương Sen bị "nhắc tên" vì các khoản nợ thuế hàng trăm tỷ đồng.

Tập đoàn Hương Sen bị cưỡng chế gần 219 tỷ đồng nợ thuế
Một số thương hiệu của Tập đoàn Hương Sen là trà TVT, sữa gạo Bibabibo, bia Đại Việt, rượu Lạc Hồng, ...

Tập đoàn Hương Sen, tiền thân là Tổ hợp Dệt nhuộm cao cấp Tân Phương, ra đời năm 1981 và chính thức mang tên hiện tại từ năm 2009. Doanh nghiệp này hoạt động đa ngành với các lĩnh vực nổi bật như dệt may, sản xuất đồ uống (thương hiệu Bia Đại Việt), bao bì, bất động sản, nhà hàng khách sạn và đầu tư khu công nghiệp. Các công ty thành viên đáng chú ý của Tập đoàn Hương Sen bao gồm Công ty CP Pushmax (sản xuất đồ uống), Công ty CP Tập đoàn Thương mại Toàn cầu Hương Sen (xuất nhập khẩu), và Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hương Sen - Đại Việt (sản xuất bia).

Doanh nhân Trần Văn Sen (sinh năm 1940) hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Hương Sen. Tại thời điểm tháng 10/2017, Hương Sen có vốn điều lệ 233 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Sen nắm giữ 41%, bà Lê Thị Báp 20%, và các con ông Sen như Trần Văn Trà, Trần Thị Ngọc Bích, Trần Thị Hoài, Trần Kim Chi, Trần Văn Công, Đỗ Văn Vẻ mỗi người nắm giữ 6,5%. Đến tháng 7/2023, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 315 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cổ đông không được công bố.

Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Hương Sen vừa thoái toàn bộ vốn tại Công ty Đông A – đơn vị nắm 42,5% vốn trong dự án Khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hòa tại thành phố Thái Bình. Dự án này có diện tích 16,1 ha, bao gồm gần 13,4 ha đất lúa chuyển đổi mục đích sử dụng, với tổng mức đầu tư lên tới 655,3 tỷ đồng. Quy mô dân số dự kiến là 1.188 người và dự án sẽ cung cấp 296 căn nhà ở thấp tầng, 241 căn nhà liên kế và 56 căn biệt thự. Dự kiến thời gian thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2028.

Sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh Thái Bình đã giao Liên danh CTCP Lam Sơn Invest, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A, và CTCP LICOGI 13 - Nền móng Xây dựng làm chủ đầu tư dự án. Để triển khai dự án, liên danh này đã thành lập doanh nghiệp dự án là CTCP Eco Lake Thái Bình vào tháng 8/2023 với vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Đông A và Lam Sơn Invest mỗi bên nắm giữ 42,5% vốn, còn LICOGI 13 - Nền móng Xây dựng nắm 15%.

Đáng chú ý, Công ty Đông A – đơn vị nắm giữ vai trò quan trọng trong dự án – từng thuộc sở hữu chi phối của Tập đoàn Hương Sen. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2008 với vốn điều lệ 85 tỷ đồng. Khi đó, Tập đoàn Hương Sen (đại diện là ông Trần Văn Sen) nắm 86% vốn. Tuy nhiên, theo đăng ký thay đổi hồi tháng 6/2024, Hương Sen và ông Trần Văn Sen đã thoái toàn bộ vốn tại Đông A. Hiện tại, cổ đông của Đông A chỉ còn ông Trần Văn Trà và bà Trần Kim Chi với tỷ lệ 50:50. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Hương Sen và Đông A vẫn mật thiết khi cả ông Trần Văn Trà và bà Trần Kim Chi đều là con của ông Trần Văn Sen.

Cục Thuế Đồng Nai công bố danh sách tạm hoãn xuất cảnh và quyết định cưỡng chế thuế đối với nhiều doanh nghiệp

Cục Thuế Đồng Nai vừa công bố danh sách các cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ ...

VIMICO - Công ty khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam bị cưỡng chế hơn 140 tỷ đồng nợ thuế

Cục Thuế tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định cưỡng chế hơn 140 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty CP Đất hiếm ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục