Tập đoàn Hoà Phát: Sẽ làm dự án sản xuất nhôm và nhà máy thép Dung Quất 3

(Banker.vn) Năm 2022, Tập đoàn Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn tới sẽ làm dự án sản xuất nhôm và nhà máy thép Dung Quất 3.
Tập đoàn Hòa Phát đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôn mạ đi châu Âu 8 ngân hàng ký hợp đồng cấp tín dụng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, diễn ra sáng 24/5, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đề xuất phương án doanh thu hợp nhất năm nay là 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái; vốn điều lệ vào cuối năm 2022 đạt 58.148 tỷ đồng, dự kiến cổ tức 25%.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, doanh thu năm nay dự kiến tăng nhẹ so với năm trước nhờ sản lượng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và doanh thu từ mảng điện máy gia dụng. Tuy nhiên, do đây là năm còn nhiều thách thức khi giá nguyên, nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán biến động không tương xứng, cùng chi phí tài chính tăng do lãi suất, dẫn tới lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn sụt giảm.

Đến cuối năm, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến hoàn thành và đưa vào chạy thử nhà máy sản xuất container. Đồng thời đặt mục tiêu tiêu thụ hết số lượng thép sản xuất ra, tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép - tôn mạ trong nước. Lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng, cao hơn kết quả năm 2020 nhưng thấp hơn 13-28% so với năm 2021.

Tập đoàn Hoà Phát: Sẽ làm dự án sản xuất nhôm và nhà máy thép Dung Quất 3
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát giải đáp thắc mắc của cổ đông

Được biết, Quý I vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu khoảng 44.400 tỷ và lãi sau thuế 8.200 tỷ, tức là đã thực hiện khoảng 28% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.

Về cổ tức năm 2021, Hòa Phát đề xuất phương án chi trả tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Nhiều cổ đông đề xuất nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên 10%, tương đương 1.000 đồng/cp. Tuy nhiên kết quả biểu quyết cuối cùng vẫn thông qua phương án mà Hội đồng quản trị đã đề xuất ban đầu.

Được biết, Tập đoàn Hòa Phát hiện có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi ra khoảng 2.236 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu sau khi chia cổ tức là hơn 5,8 tỷ đơn vị, ứng với vốn điều lệ 58.147 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 150.865 tỉ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 34.521 tỉ đồng (tăng 55,6%) so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách đạt khoảng 12.500 tỉ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm so với năm 2021, dù doanh thu tăng, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, khi lên kế hoạch năm ban lãnh đạo công ty đã tính toán đến nhiều yếu tố, trong đó, công ty xác định năm nay hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước thắc mắc của cổ đông rằng với lượng tiền mặt hơn 40.000 tỷ đồng nhưng tại sao vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt thấp, ông Long cho biết Hòa Phát không thể chia cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư cho các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Dung Quất 2. Dự án với công suất 6,5 triệu tấn HRC cần tới khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cho vay 35.000 tỷ đồng còn lại tập đoàn phải tự thu xếp. Hòa Phát cần khoảng 30.000 tỷ đồng tiền "lỏng" tức là tiền để không để sử dụng bất cứ khi nào khi cần trả nợ, mua nguyên vật liệu... Do đó, với lượng tiền mặt hiện có, sau khi chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% thì doanh nghiệp có thể phải tăng thêm vay nợ.

Thông tin thêm về dự án án Dung Quất giai đoạn 2, ông Long cho hay, Tập đoàn Hòa Phát vay các ngân hàng 35.000 tỷ đồng, phần còn lại là vốn tự có của tập đoàn. Vì thế, vị Chủ tịch vào top tỷ phú đô la của Việt Nam cho rằng: nhu cầu vốn trong thời gian tới là rất lớn, “ngay cả với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 5% cũng e là hơi nhiều”!.

Ông Trần Đình Long chia sẻ thêm: định hướng phát triển của Tập đoàn Hòa Phát là liên tục làm những mảng kinh doanh mới. “Hòa Phát không bao giờ dừng lại, vì dừng lại là chết, dừng lại là bị đối thủ cạnh tranh tiêu diệt, lấn lướt”, ông Long nói. “Hòa Phát luôn làm cái mới, liên tục mở rộng, và để mở rộng thì có nhu cầu vốn lớn”.

Chủ tịch tập đoàn cho biết ban lãnh đạo hiện nay còn đang lên kế hoạch làm dự án sản xuất nhôm (alumin) ở tỉnh Đăk Nông và nhà máy thép "Dung Quất 3" - một khu liên hợp sản xuất thép mới với công suất 6 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, mỏ quặng ở Úc, cũng hi vọng đến cuối năm có thể khai thác chuyến hàng đầu tiên. Thành công nhất là Tập đoàn Hoà Phát đã đặt chân đến Úc, thời gian tới chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục mua thêm mỏ mới. Từ nay đến 2030 chúng ta ngoài trở thành tập đoàn làm thép lớn nhất Đông Nam Á có thể quốc tế hoá hơn nữa, có thể mở nhà máy ở nước ngoài.

Với lĩnh vực bất động sản, theo lãnh đạo Hoà Phát, mục tiêu HPG vào top 3 doanh nghiệp bất động sản. Cách làm của HPG lúc đầu theo trào lưu chung là mua đất để làm dự án. Nhưng vừa rồi phát hành trái phiếu quá rõ ràng nên giá bất động sản lên quá cao và HPG chưa mua dự án nào cả.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục