Tập đoàn Hàn Quốc coi Vĩnh Phúc là điểm đến thích hợp để đầu tư

(Banker.vn) Mong muốn phát triển một khu công nghiệp quy mô 200-300 ha để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Hàn Quốc coi Vĩnh Phúc là điểm đến thích hợp.
Vĩnh Phúc: Tìm giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 51,4% kế hoạch

Cơ hội thu hút dự án khu công nghiệp quy mô 200-300 ha

Chia sẻ tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông mới đây, ông Yang Il Kwon, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH iMarket Việt Nam cho biết, Tập đoàn này đang mong muốn đầu tư phát triển một khu công nghiệp, quy mô dự kiến 200 - 300 ha tại Việt Nam để thu hút các hút các doanh nghiệp công nghệ cao. Qua khảo sát, nghiên cứu, Tập đoàn Gradiant nhận thấy tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những điểm đến thích hợp để đầu tư.

Tập đoàn Hàn Quốc coi Vĩnh Phúc là điểm đến thích hợp để đầu tư
Vĩnh Phúc thu hút gần 300 dự án FDI từ Hàn Quốc. Ảnh: V.P

Được biết, Công ty TNHH iMarket Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, có chủ sở hữu là nhà đầu tư iMarketKorea Inc thuộc Tập đoàn Gradiant của Hàn Quốc, chuyên cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các công ty thuộc Tập đoàn Samsung, Amkor... Công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với doanh thu năm 2023 đạt 93,6 triệu USD.

Về hoạt động của Tập đoàn Gradiant, ông Yang Il Kwon cho biết, đây là tập đoàn kinh tế đa ngành, trong đó, lĩnh vực hoạt động chính là cung cấp các dịch vụ logistics cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc như: Samsung, SK, Hanhwa… Thế mạnh của Gradiant là thông qua các dịch vụ cung ứng logistics để có thể kết nối với một hệ sinh thái gồm nhiều mạng lưới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao từ các thị trường hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ năm 2022, Tập đoàn Gradiant đã và đang phát triển một khu công nghệ cao tại bang Texas, Hoa Kỳ, nhằm cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất pin điện, vật liệu mới.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn được nhắc đến như điểm đến của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê, hiện, Vĩnh Phúc đã thu hút được 472 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất cả về số dự án và số vốn đăng ký, với 238 dự án và tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào tỉnh Vĩnh Phúc phần lớn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh liện điện tử, ô tô, phụ tùng ô tô, dệt may, sản xuất điện tử, chất bán dẫn và các ngành chủ lực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của địa phương.

Tập đoàn Hàn Quốc coi Vĩnh Phúc là điểm đến thích hợp để đầu tư
Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động hiệu quả tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Chu Kiều

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như: Sindoh, Cammsys, Partron, Daewoo Bus, JH Vina, Heasung Vina, ShinWon, Vina Korea, ISC Vina, Solum..., trong đó điển hình là Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm bản mạch điện tử (FPCBs), bản mạch dán bề mặt (SMT) phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Apple, LG, Sam Sung… Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được chứng nhận doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ cao trong kế hoạch ưu tiên phát triển.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hawng Jin Ju - Tổng Giám đốc công ty - đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh và khẳng định đây là lý do quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng nhà máy thứ 3 tại cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường) ngoài các nhà máy đang hoạt động tại huyện Bình Xuyên.

Cũng trong năm 2024, tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc năm 2024” do Tập đoàn CNC Tech tổ chức, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án mới; đồng thời chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CNCTech Group và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc quyết định đầu tư vào các dự án của CNCTech Group tại Vĩnh Phúc.

Chia sẻ về quyết định đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT CNCTech Group - doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó dự án khu công nghiệp Green Park Nam Bình Xuyên hợp tác với tập đoàn PNX của Hàn Quốc, có diện tích gần 300 hecta cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là gần thủ đô Hà Nội và sân bay.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, lợi thế về lao động chất lượng cao, có ngành công nghiệp phát triển, cũng như chính sách thu hút đầu tư thuận lợi cũng giúp Vĩnh Phúc hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông: Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 29 khu công nghiệp, hiện có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc là ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy. Vì vậy, thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH iMarket Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã giao Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin đầu tư, gợi ý các phương án đầu tư phát huy tối ưu hiệu quả cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục