Tập đoàn Hà Đô (HDG): Cổ đông lớn rời ghế, "mang theo" gần 23 tỷ đồng

(Banker.vn) Cổ phiếu HDG kết phiên giao dịch 21/9 tại mức 46.000 đồng/cp, giảm 11,5% so với mức giá mà VCSC bán ra. Song so với vùng đáy 31.580 đồng/cp giữa tháng 5, thị giá mã này đã tăng 45,7%.

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC – HoSE: VCI) đã chính thức không còn là cổ đông lớn Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) sau khi bán 436.700 cổ phiếu HDG. Giao dịch được thực hiện trong ngày 14/9, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,03% (12,3 triệu cổ phần) xuống 4,85% (11,9 triệu cổ phần). Tính theo giá đóng cửa ngày giao dịch là 52.000 đồng/cp, VCSC đã thu về hơn 22,7 tỷ đồng từ việc thoái số cổ phần trên.

Tập đoàn Hà Đô (HDG): Cổ đông lớn rời ghế,

VCSC là cổ đông lớn tập đoàn này từ tháng 7 năm ngoái, sau khi mua 9,4 triệu đơn vị HDG để nâng lượng sở hữu từ 2 triệu cổ phần (tỷ lệ 1,23%) lên 11,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 6,95%). Chiếu theo giá 43.400 đồng/cp ngày giao dịch, VCSC đã chi hơn 406 tỷ đồng cho thương vụ này.

Trong giai đoạn 1 năm qua, VCSC duy trì là cổ đông lớn dù có một số lần giao dịch cổ phiếu HDG. Tại ngày 8/2, VCSC sở hữu 6,35% vốn Hà Đô với 13 triệu cổ phần sau khi mua hơn 1,1 triệu cổ phiếu. Song đến ngày 30/5, đơn vị bán 200.000 đơn vị HDG, giảm nắm giữ còn gần 12,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,94%).

Ở chiều ngược lại, Dragon Capital đã mua ròng 3 triệu cổ phiếu HDG trong gần 2 tháng từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8. Cụ thể, ngày 30/6, 2 quỹ thành viên là KB Vietnam Focus Balanced Fund và Norges Bank gom 877.200 cổ phần, qua đó tăng tăng sở hữu của Dragon Capital từ 15,5 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,59%) lên 16,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,02%).

Đến ngày 23/8, lượng nắm giữ của nhóm quỹ này là 19,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 7,94%), giảm từ mức 19,6 triệu cổ phần (tỷ lệ 8,02%) sau khi quỹ thành viên DC Developing Markets Strategies Public Limted Company bán 200.000 cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu HDG kết phiên giao dịch 21/9 tại mức 46.000 đồng/cp, giảm 11,5% so với mức giá mà VCSC bán ra. Song so với vùng đáy 31.580 đồng/cp giữa tháng 5, thị giá mã này đã tăng 45,7%.

Tập đoàn Hà Đô (HDG): Cổ đông lớn rời ghế,
Diễn biến giá cổ phiếu HDG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Trong một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Hà Đô niêm yết bổ sung 40,7 triệu cổ phiếu từ ngày 16/8, qua đó nâng số cổ phiếu niêm yết từ 203,9 triệu đơn vị lên 244,6 triệu đơn vị. Số cổ phiếu này sẽ giao dịch từ ngày 25/8.

Số cổ phiếu trên được doanh nghiệp phát hành trong đợt trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng lẻ kiếm toán năm 2021 (khoảng 1.905 tỷ đồng). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 407,6 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của công ty lên khoảng 2.445 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 20/4, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Với hơn 203,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp đã chi hơn 200 tỷ đồng để thanh toán số cổ tức trên. Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2021 của Hà Đô là 30%.

Lãi ròng quý II gấp 5 lần cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh, quý II/2022, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.007 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng mạnh nhưng tốc độ chậm hơn doanh thu giúp biên lãi gộp được cải thiện lên gần 66% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 664 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Hà Đô lãi ròng 418 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Riêng quý I/2022, HDG ghi nhận doanh thu gần 684,8 tỷ đồng, giảm mạnh 49,42% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 295,75 tỷ đồng, giảm 26,35% so với cùng kỳ.

Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, Hà Đô ghi nhận gần 1.692 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 714 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.703 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được gần 46% kết hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận sau nửa năm.

Về hoạt động tài chính, doanh thu trong kỳ tăng gần gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 56 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng và phát sinh thêm doanh thu hoạt động tài chính khác. Dù vậy, chi phí cho hoạt động này cũng tăng 30% lên hơn 249 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lãi vay tăng.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của Hà Đô đạt hơn 15.742 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm nhẹ còn hơn 993 tỷ đồng. Mặt khác, tồn kho lại tăng từ gần 1.365 tỷ lên hơn 1.465 tỷ, chủ yếu tăng giá trị các công trình xây dựng dở dang và hàng hóa. Trong đó, 795 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tập trung chủ yếu tại ba dự án là Khu đô thị Linh Trung (hơn 490 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (hơn 188 tỷ đồng),...

Các bất động sản đầu tư của Hà Đô tại ngày 30/6/2022 có giá trị gần 984 tỷ đồng, bao gồm các dự án: Hà Đô Centrosa Garden (hơn 436 tỷ đồng), Văn phòng Hà Đô Air Building (hơn 173 tỷ đồng), Tòa nhà miền Nam (hơn 127 tỷ đồng), tầng thương mại tại các khu chung cư (hơn 105 tỷ đồng), quyền phát triển dự án 62 PĐG (gần 111 tỷ đồng).

Thời điểm 30/6, lượng tiền mặt và tương đương tiền của Hà Đô đã tăng từ hơn 230 tỷ đồng ở đầu kỳ lên gần 273 tỷ đồng. Khoản đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi giá trị 305 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 340 tỷ đồng. Mặt khác, Hà Đô cũng đi vay nợ 6.881 tỷ đồng, giảm 615 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tổng nợ phải trả vào cuối quý II ở mức 9.678 tỷ đồng, giảm 823 tỷ so với đầu năm và chiếm 61% nguồn vốn.

Năm 1990 Thành lập Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng. Năm 1992 Xí nghiệp xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Đến năm 2004, Công ty Hà Đô được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Hà Đô. Năm 2010, Công ty chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã cổ phiếu là HDG và sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Viết tắt là Tập đoàn Hà Đô).

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục