Tập đoàn Đan Mạch CIP khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam

(Banker.vn) Tập đoàn Đan Mạch Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tiếp tục khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam trong chuyến thăm mới nhất.
Doanh nghiệp nước ngoài không thay đổi chiến lược đầu tư vào Việt Nam

Nhà đầu tư và phát triển năng lượng xanh lớn nhất thế giới đến từ Đan Mạch Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng với Công ty Copenhagen Offshore Partners (COP) đang củng cố cam kết đầu tư vào các dự án dài hạn tại Việt Nam trong chuyến thăm mới nhất của đoàn công tác cấp cao.

Hội đàm cấp cao giữa đoàn đại biểu CIP/COP, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz
Hội đàm cấp cao giữa đoàn đại biểu CIP/COP, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) điều hành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và là nhà tiên phong trong ngành điện gió ngoài khơi.

CIP quản lý 10 quỹ tập trung vào đầu tư điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện mặt trời, sinh khối và năng lượng từ chất thải, truyền tải và phân phối, công suất dự trữ, lưu trữ, năng lượng sinh học tiên tiến và Power-to-X. Cùng với đó, COP là công ty liên kết giàu kinh nghiệm thay mặt cho CIP điều hành việc phát triển và quản lý xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới.

Để thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng bền vững giữa Đan Mạch và Việt Nam (diễn ra vào 1-2/11), các lãnh đạo và đại diện cấp cao của CIP đã có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 11 này.

Chuyến thăm hướng tới việc thúc đẩy cam kết hợp tác với chính phủ Việt Nam, mở rộng thảo luận, trao đổi cùng các bên liên quan. Qua đó, thắt chặt mối quan hệ và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho ngành năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đoàn đại biểu cấp cao của CIP cùng với các thành viên trong nhóm COP đã có cuộc gặp cấp cao với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Ngài Nicolai Prytz (Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận CIP là nhà đầu tư năng lượng bền vững hàng đầu thế giới và bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Đan Mạch ngày càng phát triển, đặc biệt là ngay sau Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng bền vững giữa Việt Nam và Đan Mạch vừa qua. Hội nghị tập trung vào việc duy trì và cải thiện hợp tác ngoại giao, thương mại và đầu tư, môi trường, giáo dục và đào tạo, và trao đổi nhân lực.

Tiếp đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đã tiếp đoàn CIP đến từ Đan Mạch và đoàn COP tại Việt Nam do Ngài Nicolai Prytz (Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam) và ông Jakob Baruel Poulsen, Đại diện cấp cao của CIP ( Đan mạch) dẫn đoàn.

Buổi làm việc giữa Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, đoàn đại biểu CIP/COP và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz
Buổi làm việc giữa Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, đoàn đại biểu CIP/COP và Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz

Tại buổi làm việc, ông Poulsen bày tỏ sự quan tâm của CIP đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đồng thời đề nghị tập trung tăng cường hỗ trợ để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26. Ông giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của CIP cũng như các hoạt động của tập đoàn trên thế giới.

Ngoài ra, chuyến thăm Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC MC) tại cảng Vũng Tàu đã giúp đoàn biết rõ hơn về cơ sở vật chất và năng lực của họ, liên quan đến Biên bản ghi nhớ giữa ba bên là công ty PTSC MC của Việt Nam, CIP và công ty Semco Maritime của Đan Mạch về việc cung cấp trạm biến áp ngoài khơi. Chuyến đi thực địa cho thấy rõ khả năng của chuỗi cung ứng có sẵn tại Việt Nam để hỗ trợ cho ngành điện gió ngoài khơi.

COP, đơn vị sẽ thay mặt CIP để phát triển và xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn hữu ích trong ngành và thảo luận về việc thắt chặt hợp tác nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi thành công tại Việt Nam.

Đoàn công tác cấp cao CIP/COP cũng đã đến thăm Hải Phòng và Quảng Ninh, nơi dự định phát triển các dự án trong tương lai và để tham khảo, đánh giá hoạt động tiềm năng tại khu công nghiệp DEEP C. Đây được coi là cơ hội để khảo sát cảnh quan và cơ sở hạ tầng hiện có, cùng với mức độ nâng cấp cảng cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia kiêm Giám đốc điều hành của COP Việt Nam, hiện quản lý phát triển thị trường và xây dựng lộ trình các dự án điện gió ngoài khơi cho CIP tại Việt Nam cho biết: Đây là một cơ hội tuyệt vời khi hầu hết các thành viên cấp cao của CIP đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của họ để tới thăm Việt Nam nhằm hiểu thêm về tiềm năng của thị trường điện gió ngoài khơi tại đây, và cách CIP/COP có thể hỗ trợ Việt Nam trong hành trình chuyển đổi xanh này.

Các đại diện cấp cao của CIP đã bày tỏ với tôi nhiều giá trị ý nghĩa qua chuyến đi này và họ nhìn thấy tiềm năng to lớn ở Việt Nam cũng như cam kết đưa CIP/COP đi đầu trong ngành năng lượng tái tạo mới này.

Hải Phòng và Quảng Ninh là những địa điểm lý tưởng để hỗ trợ xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi ở miền Bắc nước ta. Do vậy, phái đoàn của CIP rất mong đợi để tiếp tục thảo luận về các yêu cầu của ngành cũng như cách thức hợp tác tại khu vực này.

CIP là nhà đầu tư chính của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn ở tỉnh Bình Thuận, đang tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam cùng với COP. Các thỏa thuận hợp tác được công bố gần đây với các công ty trong nước cũng cho thấy sự khẳng định một lần nữa cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Nguyễn Nga

Theo: Báo Công Thương