Theo đó, quý I/2022, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.905 tỷ đồng, tăng 10,3% so với quý I/2021. Lợi nhuận gộp đạt 1.470,2 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 145,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 20,1% lên thành 113,3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,6% lên 345,3 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12% xuống còn 1.097,3 tỷ đồng. Nhờ có khoản lợi nhuận khác 402 tỷ đồng, gấp 7 lần quý I năm ngoái, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.315,6 tỷ đồng, tăng 8% so với quý I năm ngoái.
Tại ngày 31/3/2022, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 5.051,8 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm, trong đó tiền mặt là 227,2 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 1.925,5 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 2.899 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn là 9.858,6 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn là 3.066,4 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 194,1 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn là 641,7 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm, trong đó dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 570,8 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, Tập đoàn dự định tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 17/6/2022.
Sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn Cao su đã có mức tăng trưởng ấn tượng, doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 19.824 tỷ đồng, năm 2020 đạt 21.140 tỷ đồng và năm 2021 là 26.226 tỷ đồng (tăng 86% so với năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2.544 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3.833 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.076 tỷ đồng và năm 2021 là 5.340 tỷ đồng (gấp đôi năm 2018).
Với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng và mức vốn hóa hiện xấp xỉ 115.000 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: (1) Trồng, khai thác chế biến mủ cao su; (2) Chế biến gỗ; (3) Sản phẩm công nghiệp cao su; (4) Đầu tư kinh doanh khu CN; (5) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
GVR hiện nắm trong tay 401.877 hecta cao su tại 3 nước Đông Dương, trong đó diện tích ở Việt Nam là 287.262ha, mỗi năm sản xuất gần 400.000 tấn cao su chiếm 30% sản lượng cả nước. Sản phẩm cao su của GVR chủ yếu gồm 3 loại: cao su định chuẩn kỹ thuật, cao su ly tâm và cao su tờ, xuất khẩu tới gần 70 quốc gia, với nhiều khách hàng lớn như Goodyear, Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho, Sailun… GVR đặt mục tiêu đến năm 2025 sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 500.000 tấn/năm.
GVR cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển và khoanh nuôi, bảo vệ tối thiểu 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong các vùng cao su. Đầu tư, cải tạo nâng cao công suất chế biến gỗ, đầu tư phát triển các loại nguyên liệu có giá trị sản phẩm cao hơn. Hình thành khu công nghiệp chuyên về chế biến gỗ tại Bình Dương, bao gồm chế biến ra sản phẩm cuối cùng và các sản phẩm phụ trợ cho ngành chế biến gỗ. Dự kiến đến 2025 diện tích khai thác gỗ cao su đạt 21.000 ha, tổng giai đoạn 2021-2025 GVR là 92.000 ha (gấp rưỡi diện tích khai thác giai đoạn 2016-2020).
GVR có diện tích cây cao su thanh lý bình quân 10-12.000 hecta/năm, đồng thời có thế mạnh và nguồn lực lớn về đất đai để phát triển trồng rừng nguyên liệu nên có lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ. GVR nắm trong tay 18 nhà máy gỗ (14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế, 4 nhà máy MDF). Năm 2021, GVR sản xuất gần 1,3 triệu m3 gỗ các loại, trong đó gỗ phôi 241.216 m3, gỗ ghép tấm 8.585m3 và 1.004.424 m3 MDF-MFB, chiếm một nửa sản lượng gỗ MDF toàn quốc.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh các năm qua, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất lĩnh vực nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh COVID-19, năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,6 tỷ USD, năm 2021 đạt 14,8 tỷ USD, gấp rưỡi kim ngạch xuất khẩu thủy sản (8,9 tỷ USD), gấp hơn 4 lần kim ngạch xuất khẩu gạo (3,3 tỷ USD) và gần 5 lần cà phê (3 tỷ USD).
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|