Tại buổi họp mặt, bà Trần Thị Thanh Bích - Tổng Biên tập Tạp chí, bày tỏ lời cảm ơn chân thành, lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ cộng tác viên đã tham gia đóng góp tích cực vào thành công chung của Tạp chí.
Nhìn lại hoạt động năm 2023, bà Trần Thị Thanh Bích cho biết, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có những thay đổi mạnh mẽ, hiện đại trong tiếp cận bạn đọc, có được sự ghi nhận đánh giá cao của đông đảo độc giả cũng như đồng nghiệp trong nghề, đặc biệt là các đồng nghiệp trong lĩnh vực báo chí ngành tài chính - ngân hàng.
Tạp chí giấy hoàn thành việc xuất bản 18 số Tạp chí theo định kỳ, trong đó có: 2 số gộp Chào Năm mới 2023 và Tết Quý Mão 2023; hoàn thành số kỷ niệm 72 năm thành lập ngành Ngân hàng; số kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; số kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động; đồng thời hoàn thành các thủ tục điều chỉnh kỳ và số trang Tạp chí từ tháng 7/2023 (theo đó, mỗi tháng xuất bản một kỳ, số trang Tạp chí tăng gấp đôi, lên 96 trang/kỳ).
Từ tháng 5/2023, Tạp chí điện tử tiếp cận bạn đọc với nhiều đổi mới, hiện đại, đa dạng, phong phú hơn về hình thức thể hiện, tăng cường các sản phẩm multimedia (video clip, infographics, e-magazine) và các chùm bài theo chủ đề đang được dư luận quan tâm..
Tạp chí giấy và Tạp chí điện tử tuân thủ nghiêm tôn chỉ, mục đích quy định tại Giấy phép hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; các chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Ngân hàng và định hướng truyền thông của Ngân hàng Nhà nước; tích cực truyền thông các hoạt động của các tổ chức hội viên và Hiệp hội Ngân hàng; bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế về lĩnh vực ngân hàng – tài chính – tiền tệ, để tập trung sản xuất, biên tập tin/bài với số lượng ngày càng lớn, thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, chú ý tăng cường các bài viết mang tính chuyên sâu.
Đặc biệt, cả Tạp chí giấy và Tạp chí điện tử đều tập trung dành nhiều bài viết phản ánh, phân tích, nhận định, nêu kiến nghị, đề xuất đối với Luật Các TCTD (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Căn cước; Nghị định 13; đánh giá tác động, ảnh hưởng của Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Thông tư 03/2023/TT-NHNN; Thông tư 06/2023/TT-NHNN – những văn bản pháp lý có tầm quan trọng rất cao đối với hoạt động ngân hàng...
Cũng trong năm qua, Tạp chí đã tổ chức thành công Toạ đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số”; bảo trợ truyền thông nhiều sự kiện về tài chính ngân hàng, đặc biệt là các sự kiện, cuộc thi của khối sinh viên các trường đại học ngân hàng, kinh tế...
Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí cũng đa phát triển và mở rộng trong trong hệ thống ngân hàng, nhà nghiên cứu khoa học của cơ quan nghiên cứu, trường đại học gửi bài cộng tác thể hiện những nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo; nhiều phóng viên, nhà báo quan tâm gửi bài cộng tác… Qua đó có nhiều góc nhìn đa chiều, đề xuất/kiến nghị nhiều giải pháp sát với thực tiễn trong hoạt động ngân hàng.
Thay mặt ban biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, bà Trần Thị Thanh Bích đã đưa ra 25 chủ đề cho năm 2024 để mời các cộng tác viên tham gia viết bài.
Tại buổi gặp mặt, các cộng tác viên đã đóng góp nhiều ý kiến để phát triển Tạp chí và đánh giá các chủ đề đưa ra đã bám sát diễn biến thực tế.
Dưới góc nhìn của một người đã công tác trong ngành nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đánh giá, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ là kênh truyền thông rất hiệu quả, kịp thời của ngành Ngân hàng, được nhiều độc giả trong và ngoài ngành Ngân hàng quan tâm.
Về 25 chủ đề được Tạp chí đưa ra, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho biết, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia tích cực.
Qua phát biểu, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cũng gửi lời mời Tạp chí tham gia bảo trợ truyền thông cho các hội thảo và sự kiện sắp tới của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và mong muốn được đồng hành cùng Tạp chí trong các chương trình sắp tới.
Mặt khác, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng đang mở rộng và phát triển nhiều ngành học, do đó, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Tạp chí đối với các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên của trường.
Chia sẻ tại buổi họp mặt, ThS.NCS Trần Kim Long, Khoa Ngân hàng – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đánh giá, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ càng ngày càng phát triển cả về hình thức lẫn nội dung.
Về vấn đề chuyển đổi số, ThS.NCS Trần Kim Long cho rằng, đây là hướng đi rất đúng đắn trong giai đoạn hiện tại, nên tập trung tăng lượng tương tác đến từ độc giả, từ đó nhận diện được chủ đề độc giả quan tâm và tập trung khai thác sâu thông tin đó.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS. Nguyễn Thị Như Quỳnh, Khoa Tài chính – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vinh dự khi được tham dự buổi gặp mặt: “Mỗi năm Tạp chí đều có sự phát triển vượt bậc với nội dung mới mẻ, chất lượng bài rất tốt. Mong rằng, Tạp chí ngày càng phát triển hơn nữa, là nơi các nhà nghiên cứu tin tưởng gửi gắm các bài nghiên cứu khoa học của mình”.
ThS. Trần Trọng Triết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, Tạp chí điện tử đã đổi mới liên tục và đang làm rất tốt về mặt truyền thông chính sách. Đồng thời bày tỏ mong muốn, Tạp chí có nhiều bài viết sâu hơn về các chủ đề đang được quan tâm hiện nay như: Sở hữu chéo tại các ngân hàng, room tín dụng… để có thêm góc nhìn chuyên sâu, tổng thể cho các cơ quan quản lý.
Trước những chia sẻ chân thành từ các cộng tác viên thân thiết, bà Trần Thị Thanh Bích khẳng định, những ý kiến đóng góp tại cuộc họp mặt là những chia sẻ rất quý báu, thiết thực và quan trọng cho sự phát triển của Tạp chí nói chung, việc triển khai các nội dung bài viết của Tạp chí trong năm 2024 nói riêng.
"Sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của đội ngũ cộng tác viên sẽ giúp Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ ngày càng hoàn thiện, khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời gian tới", bà Trần Thị Thanh Bích nhấn mạnh.
P.V
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|