Tạp chí Ngân hàng ngày càng phát triển với nhiều bài viết hàm lượng khoa học cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với một Tạp chí của Ngành

(Banker.vn) Ngày 12/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức ra mắt Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và họp Hội đồng biên tập năm 2024. TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng chủ trì buổi họp.
Ngày 12/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức ra mắt Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và họp Hội đồng biên tập năm 2024. TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng chủ trì buổi họp.

Tham dự buổi họp có PGS., TS. Nguyễn Kim Anh, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và các thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng.

Về phía Tạp chí Ngân hàng, có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Phó Tổng Biên tập và lãnh đạo các phòng, ban của Tạp chí Ngân hàng.
 
Tại buổi họp, đồng chí Đặng Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN đã công bố Quyết định số 817/QĐ-NHNN ngày 03/5/2024 của Thống đốc NHNN về việc kiện toàn Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng. Theo Quyết định, Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng gồm 25 thành viên là những nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, am  hiểu sâu lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chính sách pháp luật về hoạt động ngân hàng, do TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN làm Chủ tịch.
 


Ra mắt Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng
 
Tại buổi họp, Tạp chí Ngân hàng đã tặng hoa tri ân PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập và một số thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng nhiệm kỳ trước đã đồng hành, gắn bó và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Tạp chí Ngân hàng thời gian qua.
 

TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Bình tặng hoa tri ân PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và các thành viên Hội đồng biên tập nhiệm kỳ trước
 
Tạp chí Ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện khó khăn về mặt tài chính, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, tìm cách nâng cao chất lượng, duy trì hàm lượng khoa học của bài viết, vừa đảm bảo vấn đề tài chính cho đơn vị

Đáp nhận sự tri ân và những tình cảm trân trọng Tạp chí Ngân hàng dành cho nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng và các thành viên Hội đồng biên tập nhiệm kỳ trước, PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng đã gửi lời cảm ơn đến Ban Lãnh đạo NHNN, các vụ, cục có liên quan đã hỗ trợ Tạp chí Ngân hàng nói chung và Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng nói riêng cũng như các đồng chí trong Hội đồng biên tập hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Đồng thời, PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh gửi lời chúc đến Tạp chí Ngân hàng và các thành viên Hội đồng biên tập nhiệm kỳ mới hoàn thành tốt nhiệm được giao, góp phần giúp Tạp chí Ngân hàng phát triển hơn trong giai đoạn tới.
 

 
PGS., TS. Nguyễn Kim Anh, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng phát biểu tại buổi họp
 
Nhấn mạnh về vai trò của Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng, PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh cho rằng, Hội đồng biên tập của Tạp chí đóng vai trò rất quan trọng: Thứ nhất, tham gia với Tạp chí Ngân hàng đề xuất về mặt nội dung, chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm, từ đó giúp Tạp chí Ngân hàng ngày càng phát triển về mặt hình thức, nội dung, chất lượng góp phần nâng cao uy tín của Tạp chí Ngân hàng. Thứ hai, tham gia vào công tác biên tập, chuẩn mực hóa nội dung khoa học cho các bài viết đăng Tạp chí Ngân hàng. Thứ ba, mỗi thành viên Hội đồng biên tập sẽ là đại sứ cho Tạp chí Ngân hàng trong việc quảng bá sản phẩm Tạp chí Ngân hàng đến với độc giả, từ đó thu hút thêm nhiều cộng tác viên gửi những bài viết chất lượng hơn.

Tuy nhiên, PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, Tạp chí Ngân hàng cần tự chủ hơn trong việc mời Hội đồng biên tập phản biện bài viết, tham gia viết bài… qua đó mỗi thành viên Hội đồng biên tập có thể phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của mình.

Về hoạt động của Tạp chí Ngân hàng, PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh đánh giá, những năm qua, Tạp chí Ngân hàng đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện hết sức khó khăn, đặc biệt là về mặt tài chính, vừa phải tìm cách nâng cao chất lượng, duy trì hàm lượng khoa học của của bài viết, vừa phải đảm bảo vấn đề tài chính cho đơn vị. Tuy nhiên, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngoài các số xuất bản thường kỳ, Tạp chí Ngân hàng đã thực hiện 3 số Tạp chí khoa học chỉ đăng tải các bài viết khoa học chuyên sâu, không có bài tuyên truyền, quảng cáo để dần tiến tới đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước tăng điểm khoa học cho Tạp chí.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh, Tạp chí Ngân hàng hiện vẫn chưa có Tổng Biên tập, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng biên tập là Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng. Do đó, nguyên Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh mong muốn Tạp chí Ngân hàng được kiện toàn nhân sự Tổng Biên tập để ổn định cơ cấu tổ chức, tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

PGS.,TS. Nguyễn Kim Anh cũng mong muốn, trong nhiệm kỳ mới, TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm sát sao, đồng thời, Tạp chí Ngân hàng cũng thường xuyên trao đổi, báo cáo nội dung với Chủ tịch Hội đồng biên tập để có được những định hướng, điều chỉnh về mặt hoạt động một cách kịp thời.


Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng biên tập báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Tạp chí Ngân hàng

Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Tạp chí Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ cần triển khai trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, đến ngày 11/6/2024, Tạp chí Ngân hàng đã hoàn thành việc xuất bản và phát hành 11 số Tạp chí Ngân hàng định kỳ (trong đó, số 2+3/2024 là số gộp, số 10/2024 là số khoa học chuyên sâu), 4 số Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số, Chuyên đề đặc biệt: “Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp” và Tạp chí điện tử Ngân hàng.

Trong công tác xuất bản, Tạp chí Ngân hàng luôn bám sát mục đích, tôn chỉ xuất bản, định hướng tuyên truyền chung của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Kế hoạch truyền thông của NHNN, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành Ngân hàng.

Tạp chí Ngân hàng đã tích cực làm tốt công tác truyền thông chính sách, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đến với mọi tầng lớp nhân dân; giúp doanh nghiệp, người dân hiểu và đồng thuận hơn với công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; qua đó, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với ngành Ngân hàng. 

Để từng bước đáp ứng đủ các điều kiện hồ sơ đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước tăng điểm khoa học cho Tạp chí Ngân hàng in, cụ thể là đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước tăng điểm khoa học cho Tạp chí Ngân hàng in từ 0,5 lên 0,75 điểm, Tạp chí Ngân hàng thực hiện xuất bản số Tạp chí khoa học chuyên sâu (Số 10 tháng 5/2024), chỉ đăng tải các bài báo nghiên cứu khoa học, không đăng quảng cáo, có trên 60% bài viết là các tác giả ngoài đơn vị chủ quản…; đồng thời, Tạp chí Ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Kinh tế xin tính điểm khoa học đối với Tạp chí Ngân hàng số thường kỳ, Tạp chí điện tử Ngân hàng, Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số trong năm 2024.

Về công tác tổ chức hội thảo, tọa đàm, ngày 06/6/2024, dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Tạp chí Ngân hàng đã tổ chức thành công Tọa đàm chủ đề “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững: Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai” với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức tín dụng… cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về các tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển bền vững từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế uy tín; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức tín dụng về sự cần thiết của việc thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong ngành Ngân hàng và xây dựng quy trình công bố thông tin, thực hành Báo cáo Phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, Tạp chí Ngân hàng thường xuyên chú trọng phát triển và duy trì đội ngũ cộng tác viên có chất lượng cao cho đơn vị; tích cực gửi thư đặt bài đến các nhà quản lý, nhà khoa học có nghiệp vụ tài chính - ngân hàng để có những bài viết nghiên cứu khoa học chuyên sâu đăng tải Tạp chí Ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thông tin và nghiên cứu của độc giả.

Thời gian qua, Tạp chí Ngân hàng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN; sự phối hợp, giúp đỡ và ủng hộ của các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các chi nhánh NHNN ở địa phương và một số ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; các thành viên Hội đồng biên tập là những nhà khoa học, quản lý, chuyên gia có uy tín, am  hiểu sâu lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chính sách pháp luật về hoạt động ngân hàng; với đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, có học hàm, học vị cao; các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đến từ các vụ, cục NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các cộng tác viên là các giảng viên, nghiên cứu sinh, cán bộ nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài ngành Ngân hàng có kiến thức chuyên môn sâu về tài chính, ngân hàng, có kỹ năng viết bài báo khoa học, nhiều năm tâm huyết, gắn bó với Tạp chí, thường xuyên gửi bài cộng tác thể hiện những nghiên cứu chuyên sâu, ý tưởng sáng tạo, qua đó có nhiều góc nhìn đa chiều, đề xuất/kiến nghị nhiều giải pháp sát với thực tiễn trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh những thuận lợi thì Tạp chí Ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường nguồn thu để đảm bảo đời sống cho viên chức, người lao động và thu hút, phát triển đội ngũ cộng tác viên, cũng như thực hiện mục tiêu được tăng điểm khoa học...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí Ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả về thông tin, kiến thức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích xuất bản của Tạp chí Ngân hàng để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách. Phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tuyên truyền sâu, rộng, phong phú hoạt động tín dụng, ngân hàng, đóng góp của ngành Ngân hàng với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Hai là, tăng cường hoạt động của Hội đồng biên tập; phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng biên tập trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phản biện, thẩm định và cho ý kiến về những bài viết về những bài viết có tính chuyên môn cao, những vấn đề mới, nhạy cảm đang được dư luận xã hội quan tâm.

Ba là, tăng cường công tác đặt bài các chuyên gia; phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức tín dụng, các cộng tác viên… để thu hút nguồn bài đa dạng, phong phú, chất lượng.

Bốn là, tăng cường chất lượng biên tập, nâng cao chất lượng bài viết đăng trên Tạp chí Ngân hàng và Tạp chí điện tử Ngân hàng; khai thác hiệu quả các bài viết từ các hội thảo, tọa đàm chuyên môn trong Ngành, các bài viết từ các đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp Nhà nước. Đẩy mạnh hợp tác khoa học với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công bố các kết quả nghiên cứu mới.

Năm là, chú trọng thực hiện tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp để đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Kinh tế và ngành Luật tăng điểm khoa học cho Tạp chí Ngân hàng in; đồng thời, đề nghị tính điểm khoa học ngành Công nghệ thông tin cho Chuyên đề Công nghệ và Ngân hàng số và Tạp chí điện tử Ngân hàng.

Sáu là, tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học… nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bảy là, triển khai các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); tổ chức tốt Cuộc thi viết với chủ đề “Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam” do Tạp chí Ngân hàng phát động.



PGS., TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
phát biểu tại buổi họp

Tham gia ý kiến tại buổi họp, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng cho rằng, Tạp chí Ngân hàng ngoài việc phải đảm bảo các bài viết khoa học theo thì còn phải đăng tải các bài viết tuyên truyền, truyền thông theo định hướng của NHNN, bên cạnh đó là đăng tải những bài viết tuyên truyền, quảng cáo để đảm bảo tài chính cho đơn vị. Do đó, Tạp chí cần nghiên cứu hướng đi, ví dụ, tiến tới vào hệ thống chỉ mục Đông Nam Á (ACI) và Scopus.

Việc nghiên cứu thu phí bạn đọc đối với các bài báo khoa học cũng cần được triển khai bên cạnh việc tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, nhất là việc phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế, qua đó tăng nguồn thu cho đơn vị.
 


TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương
phát biểu tại buổi họp

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Tạp chí Ngân hàng là một trong những kênh tham mưu về chính sách tiền tệ, ngân hàng. Tạp chí Ngân hàng nên nghiên cứu xuất bản một số tạp chí đặc biệt đăng những bài viết của các chuyên gia, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế… gửi tới các thành viên Chính phủ, các Ủy viên Trung ương… để có sự đồng thuận cao hơn của ngành Ngân hàng trong điều hành chính sách.

Với Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng là những nhà quản lý cấp cao, các chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS. Nguyễn Tú Anh kỳ vọng, Tạp chí Ngân hàng sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.



PGS., TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam
phát biểu tại buổi họp
 
Phát biểu tại buổi họp Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng, PGS., TS. Đặng Ngọc Đức, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng cho rằng, các nghiên cứu khoa học góp phần hỗ trợ cho hoạt động chung của NHNN cũng như của nền kinh tế, tuy nhiên, đôi khi cũng tạo ra những diễn đàn mà tại đó có những trao đổi trái chiều, có sự khác biệt. Chính vì vậy, bên cạnh việc chú trọng nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Tạp chí Ngân hàng cần nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí Ngân hàng.

PGS., TS. Đặng Ngọc Đức đề xuất, Tạp chí Ngân hàng nên phân chia mỗi số tạp chí thành 2 - 3 chuyên mục khác nhau: Ví dụ: Chuyên mục 1: Đăng tải những bài viết tuyên truyền về công tác lãnh đạo, điều hành chính sách của NHNN đến các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp và nền kinh tế. Chuyên mục 2: lựa chọn những bài viết có tính chất nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu… để Tạp chí vẫn đảm bảo hàm lượng khoa học cao mà không bị hạn chế đối với nhiệm vụ chính trị. Chuyên mục 3: Tập hợp những bài viết từ cán bộ lãnh đạo, người làm thực tế tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… phản ánh thực trạng hoạt động của ngân hàng và những bài viết có tính chất trao đổi. Theo PGS., TS. Đặng Ngọc Đức, việc chia chuyên mục như vậy độc giả sẽ nhìn thấy Tạp chí Ngân hàng có các nội dung đầy đủ, hoàn thiện, đồng thời cũng cho phép các độc giả, tác giả đều tìm thấy sự hài lòng đối với Tạp chí, kể cả mục tiêu đăng bài hay với tư cách là độc giả.

Bên cạnh đó, PGS., TS. Đặng Ngọc Đức cũng cho biết, thời gian qua, Tạp chí Ngân hàng đã hỗ trợ, giúp đỡ và là bạn đồng hành với Trường Đại học Đại Nam trong quá trình tổ chức hội thảo khoa học. PGS., TS. Đặng Ngọc Đức mong muốn, thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp, quan tâm, hỗ trợ Đại học Đại Nam trong công tác tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học.
 


PGS., TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu tại buổi họp

 

PGS., TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng đánh giá cao sự vượt khó của Tạp chí Ngân hàng và cho rằng, Tạp chí Ngân hàng đã giải quyết hài hòa trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị song song với tính bài toán kinh tế cho đơn vị.

PGS., TS. Bùi Hữu Toàn khẳng định, việc nâng điểm khoa học cho Tạp chí vẫn là đích để Tạp chí Ngân hàng hướng tới. Để từng bước tăng điểm khoa học từ 0,5 lên 0,75 điểm, Tạp chí Ngân hàng cần: (i) Kết nối mạnh mẽ hơn nữa với các trường đại học như Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân… để mở rộng đội ngũ các nhà khoa học gửi bài có chất lượng cao đăng Tạp chí; (ii) Tạp chí Ngân hàng cần thúc đẩy hơn nữa việc kết nối với Viện Chiến lược Ngân hàng trong việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học; (iii) Phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác quốc tế kết nối tới các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế…  để có những bài viết có nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên thế giới để truyền tải tới độc giả.


 


TS.  Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng
phát biểu chỉ đạo tại buổi họp
 
Tạp chí Ngân hàng cần tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN và các ngân hàng thương mại
 

Phát biểu chỉ đạo buổi họp, TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng đã ghi nhận những kết quả và sự nỗ lực quyết liệt của các thành viên Hội đồng biên tập. Tạp chí Ngân hàng có được những kết quả tốt đẹp như hiện nay là sự có đóng góp tích cực của các thành viên Hội đồng biên tập, đặc biệt là nguyên Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác và năng lực quản lý khoa học.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận xét, Tạp chí Ngân hàng ngày càng phát triển với nội dung, kết cấu chặt chẽ, phù hợp, có hàm lượng khoa học cao, đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với một Tạp chí của Ngành; hình thức ngày càng đẹp hơn, mức độ lan tỏa hàng ngày càng cao hơn.

Là cơ quan báo chí của ngành Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi khi các vấn đề tuyên truyền của Tạp chí luôn “nóng” với nền kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, với những nhà lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Chính vì vậy, truyền thông ngành Ngân hàng vừa có tính phức tạp, vừa có lợi thế riêng khi nhiều người đọc luôn sẵn sàng đọc các bài viết của Tạp chí. Đặc biệt, Tạp chí Ngân hàng có một đội ngũ thành viên Hội đồng biên tập là lãnh đạo các vụ, cục, các cơ quan chức năng của NHNN cũng cần đến cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến các nội dung, chủ trương, chính sách của Ngành đến toàn thể người dân và xã hội qua những bài viết hay các diễn đàn khoa học, qua đó giúp người dân, các nhà khoa học nắm bắt thông tin và phản biện chính sách. Thêm vào đó, truyền thông ngành Ngân hàng có lợi thế rất lớn khi có hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, Tạp chí Ngân hàng cần tăng cường sự hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các vụ, cục, đơn vị NHNN, đặc biệt sự hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng được lựa chọn từ các vụ, cục, đơn vị chức năng của NHNN, các ngân hàng thương mại, các trường đại học lớn… là những nhà quản lý, những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; mặc dù bận rộn nhiều công việc, công tác chuyên môn nhưng các thành viên Hội đồng biên tập vẫn tích cực tham gia các nhiệm vụ của Hội đồng biên tập. Tuy nhiên, trước điều kiện ngày một khó khăn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các thành viên Hội đồng biên tập cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trên các vấn đề sau: (i) Tham gia Hội đồng biên tập theo nhiệm vụ chuyên môn dựa trên quy chế triển khai nội bộ của Hội đồng biên tập; (ii) Thành viên Hội đồng biên tập vừa là người cung cấp các bài viết, tài liệu, chủ đề, vừa là người viết bài, vừa là người đặt hàng với Tạp chí; là người phản biện đối với những bài viết gửi đăng Tạp chí. Giao nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng biên tập có ít nhất 2 bài viết/năm đăng Tạp chí Ngân hàng; (iii) Phối hợp tổ chức hoặc là thành viên tham gia, viết bài tham luận tại các hội thảo, tọa đàm mà Tạp chí là đơn vị tổ chức.

Bên cạnh đó, đối với các thành viên Hội đồng biên tập là lãnh đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Chính sách xã hội… có những hoạt động, cơ chế để hỗ trợ Tạp chí Ngân hàng có bài viết, đặc biệt là về kinh phí.

Đối với các thành viên Hội đồng biên tập là lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tạp chí Ngân hàng kiện toàn bộ máy lãnh đạo. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ủng hộ việc Tạp chí Ngân hàng đề xuất có phóng viên Thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Truyền thông thực hiện công tác cán bộ của Tạp chí Ngân hàng đảm bảo tính chất chuyên ngành.

Về cơ chế tự chủ tài chính, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị Vụ Tài chính - Kế toán quan tâm, tạo điều kiện cho Tạp chí Ngân hàng; các cơ chế tài chính khác, đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ Tạp chí Ngân hàng. Ngoài ra, các điều kiện khác nếu có vướng mắc, Tạp chí Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất.

Đối với Tạp chí Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu, phải luôn năng động, chủ động đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác với các vụ, cục, cơ quan, đặc biệt là Viện Chiến lược ngân hàng, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng thương mại… công bố các kết quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu; xây dựng các bài viết là những sản phẩm tinh hoa nhất, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng và xã hội; thu hút các nhà chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trong ngành Ngân hàng trong tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học… Với các tổ chức quốc tế, Tạp chí Ngân hàng cần kết nối với các chuyên gia nước ngoài tổ chức hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế; tham gia cộng tác, hợp tác toàn diện hơn nữa để tận dụng những thuận lợi, những cơ hội từ phía bạn bè quốc tế.



Toàn cảnh buổi họp Hội đồng biên tập Tạp chí Ngân hàng năm 2024
 
Phương Chi
Theo: Tạp chí Ngân hàng