Tạo thuận lợi cho sản phẩm Halal xuất xứ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia

(Banker.vn) Với quy mô thị trường rộng lớn và tiềm năng phát triển mạnh, sản phẩm Halal đang nhận được quan tâm từ nhiều quốc gia, trong đó các nước thành viên ASEAN.
Chứng nhận sản phẩm Halal trong việc thâm nhập các thị trường Hồi giáo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia: Tiếp nối, thúc đẩy động lực kinh tế thương mại

Thị trường nhiều dư địa phát triển

Indonesia là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường có nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Giai đoạn 2018 - 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia đạt trung bình 2 tỷ USD, trong đó cao nhất là năm 2018, với 3,5 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 392,07 triệu USD, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin tại cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai nước duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2028.

Thủ tướng mong muốn hai nước cùng thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện.

Tạo thuận lợi cho sản phẩm Halal xuất xứ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Indonesia hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal có xuất xứ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; đề nghị Indonesia công nhận nỗ lực của Việt Nam về quản lý hoạt động tàu cá, hạn chế tối đa hoạt động khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Trong khi đó, Indonesia được biết đến là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal đã đạt 220 tỷ USD hồi năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025. Đây là một trong những thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, để thu phục người tiêu dùng nước này, sản phẩm Việt Nam phải có chứng nhận Halal.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, so với nhiều thị trường trong ASEAN, thời gian tới Indonesia được đánh giá tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng thách thức trong việc tiếp cận thị trường Indonesia cũng không ít. Đây là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (để tự chủ về lương thực, thực phẩm, giảm nhu cầu nhập khẩu nông lâm sản từ nước khác). Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc SNI để việc mở rộng thị phần đạt kết quả cao, tạo sự khác biệt cạnh tranh hiệu quả tại thị trường này.

Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal

Halal trong tiếng Arab có nghĩa là hợp pháp hoặc được phép dùng. Trong Hồi giáo, thuật ngữ này dùng để chỉ sản phẩm được phép dùng hoặc hành động được làm trong khuôn khổ tôn giáo. Người Hồi giáo chỉ được phép sử dụng các sản phẩm Halal theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Khu vực Đông Nam Á là nơi có đông người Hồi giáo nhất thế giới, với 277 triệu người, chiếm khoảng 42% tổng dân số khu vực. Do đó, Đông Nam Á cũng là thị trường có nhu cầu cao với các sản phẩm Halal. Indonesia là nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới với hơn 200 triệu người.

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á - Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

Trước đó, hồi tháng 7, khi hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Malaysia để mở cánh cửa tiếp cận thị trường Halal toàn cầu trị giá 7.000 tỷ USD.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ Halal, đầu tư sản xuất sản phẩm và xây dựng các cơ chế hợp tác về chứng nhận Halal ở Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.

Làm rõ các động lực tăng trưởng của thị trường này, TS. Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông - cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal đang ngày càng tăng trưởng về quy mô trên thị trường thế giới. Các nhà cung cấp thực phẩm Halal chủ yếu là các nước phi Hồi giáo, tiêu biểu như Brazil, Ấn Độ, Australia, Pháp, New Zealand, Hungary.

Theo đó, tính nhân văn của Halal tác động đến đông đảo người dân trên thế giới, khiến thị trường Halal đang ngày càng mở rộng đến cả các nước không phải Hồi giáo. Quy mô thị trường Halal tăng trưởng nhanh, dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6,2.%. GDP bình quân đầu người Hồi giáo ước tăng 4,2% đến năm 2024.

Ngoài các tín đồ Hồi giáo, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi đặc tính chất lượng cao, được sản xuất trong một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. “Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần. Do vậy, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm” - TS. Lê Phước Minh chỉ ra.

Trong khi đó, mặc dù Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal lớn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều.

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Theo đó, Đề án đã đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương