Tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới |
Nhiều nút thắt cản trở hoạt động giao thương của các doanh nghiệp
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại xuyên biên giới, tăng cường hợp tác công tư giữa chính quyền và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) với chủ đề "Tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới". Đây là hội nghị cấp tiểu vùng được tổ chức sáng ngày 2/3/2023 tại Hải Dương
Hội nghị có sự tham dự của 250 đại biểu là doanh nghiệp đến từ 4 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh. Đây là những địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế và cũng là những tỉnh tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các doanh nghiệp ở 4 tỉnh này khoảng 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thương mại quốc tế là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam trong gần ba thập kỷ qua. Việt Nam là một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất.
Đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD.
“Chính sách càng thuận lợi, thủ tục hành chính càng tinh gọn sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung trên thương trường quốc tế”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp đều đánh giá, những năm qua các bộ, ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hoá thương mại. Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống thông quan tự động VNaccs/Vcis, VNSW, CO… được đưa vào vận hành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan…
Dẫu vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại xuyên biên giới vẫn có nhiều khó khăn, vẫn có những nút thắt. Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều cho biết, họ đã tận dụng và nắm bắt được những chính sách tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Nhưng trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới, doanh nghiệp còn nhiều lo ngại, trong xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, có thể kể đến như: Hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước; còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ ngành trở lên; logicstic còn thiếu và yếu; thủ tục hành chính còn nhiều…
“Doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia (VNSW), khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vẫn còn có công đoạn thủ công: doanh nghiệp in giấy chứng nhận kiểm dịch cầm cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống, lúc đó tờ khai mới được thông quan”, ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logicstics Hải Phòng cho biết.
Không chỉ vậy, kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
“Việc kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp). Đã nộp thuế qua online nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan”, bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hải Dương chia sẻ.
Theo khảo sát của VCCI, có tới 59% doanh nghiệp gặp ít nhất một khó khăn nào đó trong việc tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trình tự kiểm tra chuyên ngành phức tạp, danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, khâu thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, tuy kiểm tra chuyên ngành thực hiện ở cửa khẩu nhưng vẫn có những trường hợp doanh nghiệp phải về tận bộ, ngành mới được giải quyết…
Doanh nghiệp cho biết thêm, các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan. Thông quan vẫn chậm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Thời gian hoàn thuế kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn…
Cần khuyến khích đầu tư thương mại xuyên biên giới
Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, các đại biểu tham gia hội nghị nhiều đề xuất nhiều giải pháp chính sách để tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiếp tục giảm thiểu các thủ không cần thiết, rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu thương mại, đầu tư.
Đồng thời, cần khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xuyên biên giới; tăng cường để rút ngắn giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử… qua đó thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp và minh bạch hóa trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước.
“Hiện nay hải quan chỉ cho phép bên thứ 3 là đại lý hải quan thực hiện khai báo bằng chữ ký số của đại lý hải quan, còn lại các bên khác thì không. Vì vậy, Bộ Công Thương nên xem xét chấp thuận cho bên thứ 3 thực hiện việc cấp CO”, đại diện Hiệp Hội Logicstic Hải Phòng bổ sung ý kiến.
Còn theo ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, các bộ, ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ qua một cửa. Đồng thời, rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA, loại bỏ những giấy phép, những điều kiện không thực sự cần thiết…
Được biết, hội nghị được tổ chức góp phần thực hiện mục tiêu liên kết kinh tế đã được VCCI cùng UBND của 4 địa phương trên xây dựng trong Thỏa thuận “Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông”. Thỏa thuận quan trọng này giúp phát huy các tiềm năng và điều kiện của bốn địa phương nằm trên trục đường cao tốc hướng đông: Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Quảng Ninh).
“Mô hình liên kết này sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, xây dựng một khu vực năng động, một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Sự liên kết của 4 địa phương cũng thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy các liên kết cấp vùng”, Phó Chủ tịch VCCI cho biết.
“Sáng kiến: Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông” bao gồm 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái (Quảng Ninh), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã có sáng kiến thực hiện Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Sáng kiến Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo thành một không gian kinh tế mới có môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc. Mô hình kết nối quy mô gọn chỉ 4 tỉnh, phạm vi chỉ về kinh tế, giai đoạn đầu tập trung vào kết nối, phối hợp các hoạt động cụ thể, với sự điều phối của Hội đồng Vùng và Ban thư ký, có ý nghĩa như một thử nghiệm góp phần thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội”. |
Linh Ly -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|