Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như người dân, doanh nghiệp

(Banker.vn) Trong thời gian tới, để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng…
”Trong thời gian tới, để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như của người dân, doanh nghiệp. Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, cùng với các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày 28/9/2023 do NHNN tổ chức.

Hội nghị do đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN và đồng chí Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các vụ, cục NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh; Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

 

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Ngân hàng luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lí được như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản... Thế giới tiếp tục đối mặt với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, dẫn đến xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì vậy mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức tương đối cao. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Theo Phó Thống đốc, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào ba động lực để tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.

Phó Thống đốc cho hay, lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 9 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 5,9%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế,  trong gần 9 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 02 hội nghị, 05 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; NHNN đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 02 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định: "Hội nghị với mục tiêu nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024".

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội  nghị chuyên đề, hội nghị vùng...

 

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội nghị
 
Trong quý III/2023, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh...

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến ngày 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỉ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%). Trong đó: Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỉ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chứng kiến sự sụt giảm tín dụng mạnh so với cùng kì. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%. Bên cạnh đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN “Quy  định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn“ cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỉ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã chủ động triển khai buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào tháng 6/2023, góp phần tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Xuân Bắc, dù dư nợ những tháng đầu năm tăng trưởng khá nhưng so với những năm trước, rõ ràng đây là mức thấp và còn nhiều thách thức trong việc thúc đẩy tăng trưởng thời gian cuối năm. Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 giảm 12,59%, là mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây.

 

Quang cảnh Hội nghị
 
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp và hiệp hội, ngân hàng đều thống nhất đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố đa chiều từ quốc tế tới trong nước; hiệu quả hoạt động suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp lại sản xuất hoặc phải rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...

Ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng tập trung vào các vấn đề như: Lãi suất, điều kiện và trình tự thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo, các vấn đề liên quan khác. Đại diện một số TCTD có dư nợ lớn trên địa bàn trao đổi thêm về các chương trình, giải pháp, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng mà các TCTD đang triển khai nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhìn nhận xem bản thân TCTD hiện nay gặp khó khăn gì trong cung ứng tín dụng ra nền kinh tế, để cùng có những kiến nghị giải pháp đồng bộ từ tất cả các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội làm sao thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp

Trong thời gian tới, để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương và để tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc NHNN, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD cũng như của người dân, doanh nghiệp. Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị trong Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm trong thời gian tới như sau:

Đối với các TCTD trên địa bàn

Thứ nhất, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các giải pháp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Trong đó tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5 - 2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.

Thứ hai, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thứ tư, tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ “Về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh” và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN “Hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”; Chương trình tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ và 15 nghìn tỉ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng...; tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; áp dụng công nghệ trong giải quyết quy trình, thủ tục cho vay theo quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư  số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ, chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của ngân hàng triển khai để khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, sản phẩm cho vay của khách hàng, cũng như cách thức tiếp cận vốn.

Thứ bảy, kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.

Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh

Thứ nhất, thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng. Trong đó, đôn đốc các TCTD cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân, báo cáo về NHNN.

Thứ ba, chỉ đạo, theo dõi sát: (i) Việc triển khai của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn về việc thực hiện các chủ trương của Chính phủ, NHNN về việc giảm lãi suất, miễn, giảm phí (một cách thực chất) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh; (ii) Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng), chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Thứ tư, thực hiện giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ năm, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để công chúng hiểu được hoạt động của hệ thống ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, định hướng, chính sách của Nhà nước cũng như trên địa bàn tỉnh...

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có thể thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài giải pháp của ngành Ngân hàng cần sự phối hợp của UBND tỉnh, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các TCTD cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời...

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà hi vọng với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, cùng với các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hà Trang

 
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng