Tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái

(Banker.vn) Cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt. Do đó, để tạo lợi thế trong thu hút FDI, Việt Nam cần đẩy nhanh chuyển đổi phát triển mô hình KCN sinh thái.
Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI 2 tháng đầu năm Hàn Quốc vững vị thế đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho rằng: Tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

Tạo lợi thế cạnh tranh thu hút FDI bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển đổi hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái hiện nay là vô cùng cần thiết, mở ra những cơ hội lớn, lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong “cuộc đua” thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên thực tế, cạnh tranh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện đang diễn ra vô cùng gay gắt, không chỉ giữa các quốc gia tiếp nhận đầu tư với nhau mà còn có sự cạnh tranh giữa các nước tiếp nhận đầu tư với các quốc gia “xuất khẩu” đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - cho rằng, chính sách của Chính phủ các nước phát triển có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số lượng người thất nghiệp tại quốc gia họ và đảm bảo an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn. Cụ thể, để “giữ chân” các nhà đầu tư, Hoa Kỳ đã giảm thuế thu nhập từ 25% xuống còn 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp như năng lượng, ôtô, nhôm, thép, đồng thời áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu.

Từ thực tế trên ông Đặng Xuân Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Hiện, các nước “xuất khẩu đầu tư” cũng muốn thu hút FDI. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia tiếp nhận đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Còn theo TS Phan Hữu Thắng, trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước phát triển như châu Âu , Hoa kỳ… với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao mà Việt Nam đang mong muốn thu hút đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2030 (trong khi Việt Nam cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050).

“Nên nếu Việt Nam không có đủ số lượng khu công nghiệp sinh thái sẽ mất đi cơ hội có thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao – TS Phan Hữu Thắng thông tin.

Tạo lợi thế cạnh tranh thu hút FDI bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái
Chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam gia tăng cơ hội thu hút FDI

Từ thông tin trên cho thấy, việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, hoặc tổ chức xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hướng đến nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Song để có thể chuyển đổi thành công các khu công nghiệp sinh thái, theo TS Phan Hữu Thắng, Việt Nam cần lưu ý một số yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sinh thái và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện thật cụ thể, sát thực tế đối với việc chuyển đổi và xây dựng mới mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ đối với từng địa phương mà còn đối với định hướng phát triên từng ngành, lĩnh vực với việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thứ ba, rà soát các quy định hiện hành về việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống hiện có sang mô hình khu công nghiệp sinh thái bền vững theo tăng trưởng xanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và các doanh nghiêp trong các khu công nghiệp cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ truyền thống sang tăng trưởng xanh, có thể nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi trên cơ sở thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các khu công nghiệp theo mô hình các khu công nghiệp sinh thái sớm được hoàn chỉnh đồng bộ.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình khu công nghiệp từ truyền thống sang sinh thái.

Đồng thời Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trong phát triển khu công nghiệp sinh thái dựa trên việc xác định định hướng phát triển khu công nghiệp phù hợp ngay từ đầu với bối cảnh phát triển của quốc gia và xu thế phát triển của kinh tế thế giới, trong đó đặc biệt là xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, thích ứng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống khu công nghiệp quốc gia phù hợp với định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái, đồng thời, xây dựng hệ thống luật pháp chính sách cho phát triển hệ thống khu công nghiệp quốc gia đầy đủ, đồng bộ, chi tiết dễ áp dụng cho cả các chủ thể, doanh nghiệp và bộ máy giám sát, quản lý hoạt động xây dựng, kinh doanh của các khu công nghiệp.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương