Tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển Thủ đô xứng tầm

(Banker.vn) ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển Thủ đô xứng tầm.
Luật Thủ đô (sửa đổi): 2 phương án về quản lý, sử dụng không gian ngầm Đề xuất cho phép Hà Nội thực hiện thử nghiệm có kiểm soát mô hình kinh doanh mới Luật Thủ đô (sửa đổi): Cho phép Hà Nội thí điểm lập Quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước

Tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển Thủ đô xứng tầm
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội phát biểu

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư để phát triển Thủ đô xứng tầm.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật hơn nữa, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý nội dung về giải thích từ ngữ, đó là khi đưa ra các khái niệm thì phải đưa ra các thuộc tính để làm căn cứ pháp lý cho việc xác định đối tượng quản lý.

Lấy ví dụ tại khoản 1 Điều 3, đại biểu Cường cho biết, khi định nghĩa về “đô thị trung tâm”, dự thảo Luật không đưa thuộc tính mà lại nói luôn đô thị trung tâm là gì. Do vậy, theo đại biểu, cần phải bổ sung thêm thuộc tính, cụ thể cần nêu rõ, đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhận các chức năng chính của Thủ đô và sau quy định bao gồm những khu vực nào…

Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Phi Thường - đoàn Hà Nội thống nhất rất cao nội dung quy định tại Điều 4 tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 3.

Các nội dung đề cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn đã kéo dài và được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.

Ngoài ra, quy định tại khoản 3, Điều 4 là hết sức cần thiết, bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền TP. Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam cũng bày tỏ sự đồng tình cao với dự án Luật sửa đổi lần này, đồng thời hy vọng, với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô tầm cỡ khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch.

Đại biểu phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu.

Đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời góp ý nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật như về xây dựng, quản lý Thủ đô, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, phát triển công nghiệp văn hóa…

Tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển Thủ đô xứng tầm
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp

Về xây dựng, quản lý Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Tuy nhiên, với quy định viên chức làm tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc đối với quy định này. Bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý.

Về mở rộng lĩnh vực Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa cơ bản thống nhất với hướng quy định này, đồng thời, đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện.

Đề cập về giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân thì ở quy định đã điều chỉnh nên đại biểu Trần Chí Cường - đoàn TP. Đà Nẵng tán thành với việc này.

Bởi thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước.

Đồng thời, với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội; đồng thời có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không có vượt quá 10% (tương đương với 1 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ.

Như vậy, một mặt đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn; mặt khác cũng giới hạn trong việc không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương