TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm… Ông nhận định gì về điều này?
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho hoạt động KH&CN vẫn được Quốc hội thông qua trung bình trong giai đoạn 2021-2023 đạt 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước.
TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ |
Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN). Đến nay, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KH&CN.
Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, KH&CN cũng đã có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội thể hiện qua những chỉ số như: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng hay Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII). Đơn cử, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp đổi mới công nghệ từ các nguồn trong nước và nước ngoài, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN tăng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 20,9%, một số lĩnh vực tăng mạnh như: Chế biến thực phẩm tăng 24,2%, chế biến gỗ tăng 27,4%, đặc biệt, lĩnh vực điện tử máy tính tăng 30,5%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 12,47% (tăng 16,82% so với giai đoạn 2011-2015).
Thông qua các dự án KH&CN các cấp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm, ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước chủ động nghiên cứu, làm chủ các công nghệ trên thế giới gắn liền với nhu cầu và thực tiễn trong nước để tạo ra các công nghệ và sản phẩm có chất lượng cao, những sản phẩm mới trong nước chưa có với giá cạnh tranh so với hàng nhập ngoại.
Bên cạnh đó, tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác chiến lược của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước với các đối tác nước ngoài; tăng cường thu hút nguồn lực KH&CN từ nước ngoài thông qua các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Có ý kiến cho rằng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và còn tồn tại một số rào cản, thách thức. Với vấn đề này, ông có suy nghĩ như thế nào?
Tôi cho rằng, hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như thúc đẩy trao đổi, mua bán các sản phẩm KH&CN trong nước và nước ngoài trên thị trường; thiếu cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thiếu các cơ chế khoa học mạnh, cũng như cơ chế thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới.
Bên cạnh đó, hiệu quả của các tổ chức KH&CN công lập chưa cao. Hợp tác quốc tế chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm, chưa chú trọng đến chuyển giao, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của của đại bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế. Thiếu hụt các tổ chức trung gian trong hoạt động hỗ trợ chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH&CN.
Thực tế cho thấy, vấn đề định giá tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, quá trình phát triển sản phẩm thành công có thể phát sinh nhiều chi phí so với chi phí đầu tư ban đầu. Do những khó khăn này, doanh nghiệp và nhà khoa học thường chọn phương thức hợp tác không chính thức để phát triển sản phẩm, dẫn tới bị thất thoát bí quyết sản phẩm và thiệt hại về tài chính.
Một số quy định ban hành gần đây đã thúc đẩy các trường đại học thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ (TLO/TTO). Tuy nhiên, đây là các chính sách vĩ mô, thiếu các hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng và phát triển TTO một cách bài bản, dẫn tới tổ chức trung gian này hoạt động chưa hiệu quả, không kịp thời giải quyết được khó khăn cụ thể của nhà khoa học và đơn vị trong quy trình triển khai thương mại hoá các sản phẩm hoàn chỉnh.
Lỗ hổng trong quy trình phát triển sản phẩm KH&CN từ ý tưởng tới sản phẩm thương mại hóa chưa được lấp đầy do nhiều yếu tố: Các viện nghiên cứu và trường đại học đa phần dừng lại ở nghiên cứu cơ bản (ra bài báo khoa học để công bố quốc tế), rất ít các nghiên cứu phát triển sản phẩm từ đầu cho đến khi ra được sản phẩm ứng dụng; phần lớn các nghiên cứu tạo một sản phẩm tiềm năng đều thiếu giai đoạn phát triển trung gian gồm phát triển sản phẩm (sản xuất thử nghiệm) và giai đoạn phát triển mô hình kinh doanh, kiểm định trên thị trường.
Thiếu nguồn lực kinh phí để triển khai các hoạt động thương mại hóa và đổi mới sáng tạo trong quy trình đầu tư kinh phí cho hoạt động KH&CN trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu dành cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển, thiếu kinh phí cho nghiên cứu sản xuất thử nghiệm/thương mại hóa/thử nghiệm trên thị trường. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tiến hành đầy đủ quy trình tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh.
Trong khi đó, các nguồn kinh phí từ khối tư nhân cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong trường đại học không ổn định, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động KH&CN được hướng dẫn theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN chưa có nội dung chi tiết về tài chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo để tương thích với chiến lược KH&CN và đổi mới sáng tạo hiện hành.
Ông có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ rào cản trong phát triển khoa học và công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới?
Trước hết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ về: Hàng hóa, thiết bị nhập khẩu thuộc lĩnh vực công nghệ, thủ tục hải quan, thương mại, thuế, tài chính... tạo môi trường thông thoáng cho việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ mới, vật liệu mới từ nước ngoài.
Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ bằng các cơ chế về quản lý, chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ đồng bộ để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp huy động nguồn lực, vay vốn cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của nguồn tài chính này; đồng thời, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để sử dụng nguồn Quỹ cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng cơ chế hợp tác nhà nước - viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.
Trên thế giới, cải tiến công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội luôn bắt nguồn từ các trường đại học, đây là lý do mà vai trò hợp tác của trường đại học với doanh nghiệp luôn được đề cao. Thực tế ở Việt Nam, hoạt động hợp tác này chưa đáp ứng được kỳ vọng mong muốn, còn tồn tại nhiều rào cản, dẫn tới các nhà khoa học không mặn mà với phát triển thị trường KH&CN.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua các dự án ODA. ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) không chỉ là nguồn vốn quan trọng được các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nước ta mà còn là một kênh nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến cực kỳ quan trọng và hiệu quả nếu các dự án ODA được thiết kế, quản lý và triển khai hợp lý.
Thứ năm, thí điểm chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng cho các dự án đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao vào sản xuất kinh doanh, phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Xin cảm ơn ông!