Ngày 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”. Ban tổ chức cho biết, mục tiêu và cách tiếp cận của Diễn đàn lần thứ 16 này, tập trung vào việc chỉ ra và phân tích các cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh quốc tế với nhiều biến số 2 bất định và khó lường. Đồng thời, đánh giá khả năng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Năm 2024: Tăng trưởng sẽ tốt hơn
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.
Bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý, có thể kể đến như: kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý; địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp; liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phương châm chỉ đạo, điều hành của năm 2024 là: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững. "Đây sẽ là kim chỉ nam, định hướng chiến lược cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác năm 2024, trong đó có việc tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024. Một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI được dự báo có triển vọng tươi sáng trong năm 2024. Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo chuyên gia UOB, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, dự báo trong năm 2024 những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, thực tiễn có thể mở ra những thuận lợi hơn, tuy nhiên tất cả các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực trong năm nay đều thấp hơn con số của năm 2023. Trong khi đó, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% – 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng
Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém. Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
Đặc biệt, cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn, cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, để có chỉ đạo có cơ chế chính sách thực hiện rõ ràng.
“Việt Nam định hướng chiến lược rất tốt nhưng vấn đề những đề án, chương trình, giải pháp cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực rất thiếu. Đặc biệt tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến dự án xanh, liên quan đến lĩnh vực xanh cũng phải thúc đẩy hơn. Đồng thời, tiếp tục có thêm nhiều giải pháp để tăng tính tự chủ tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những định hướng quan trọng của Quốc hội và Chính phủ trong năm 2024 là phải chú trọng giải bài toán này, làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Bởi trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Nhưng điều rất quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.
Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương hiện nay đó là đang có tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.
“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh và cho rằng: “Có rất nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao”.
Dưới góc nhìn của tổ chức quốc tế, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong nội tại Việt Nam, đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này.
Bà Dorsati Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. “Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp”, bà Madani chia sẻ.
T.H
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|