Tăng trưởng tín dụng của ACB có xu hướng hồi phục mạnh

(Banker.vn) Tăng trưởng tín dụng của ACB phục hồi mạnh mẽ các tháng vừa qua. Ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã quay trở lại mức 7%, nguyên nhân chủ yếu được dẫn dắt từ khách hàng doanh nghiệp.

Theo ghi chép tại cuộc gặp doanh nghiệp của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng đã cải thiện đạt 7% tại thời điểm cuối tháng 8, kỳ vọng mỗi tháng tăng thêm 1-1,5% được dẫn dắt tăng trưởng bởi tất cả các khối.

Tăng trưởng tín dụng của ACB có xu hướng hồi phục mạnh
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB)

Theo cập nhật phân tích về Ngân hàng ACB của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSi Research), trong quý 2/2023, lợi nhuận trước thuế của ACB sơ bộ đạt 4,83 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ, theo đó lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2023 đạt 10 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại ĐHCĐ thường niên.

Theo SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận chậm lại là do NIM bị thu hẹp, áp lực dự phòng và thu nhập phí chậm lại.

Trong khi tăng trưởng tín dụng phục hồi trong quý 2/2023 đạt 4,6% so với đầu năm hay so với mức giảm 0,6% trong quý 1/2023, tổng tăng trưởng huy động đạt 4,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,07% (so với 0,96% trong quý 1/2023). Với tỷ lệ LD (79%) và nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (19%) thấp hơn nhiều so với mức trần, SSi Research cho rằng áp lực huy động vốn sẽ không phải là trở ngại lớn để ACB tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh trong tháng 6/2023, đạt mức 4,6% so với đầu năm lên 429 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 5,2% so với quý trước và là một trong những mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong số các ngân hàng SSi Research nghiên cứu trong quý 2/2023), được dẫn dắt bởi khách hàng doanh nghiệp với mức tăng trưởng 7,6% so với đầu năm trong khi mảng bán lẻ có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn là 3% so với đầu năm.

Với hạn mức tín dụng cho năm nay là 14,5% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt gần đây, ACB có thể sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu và công ty sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kèm các gói dịch vụ khác, điều này giúp ACB duy trì tỷ lệ CASA (tỷ lệ CASA quý 2/2023 là 21%) trong nửa cuối năm 2023 và cải thiện doanh thu từ phí.

Cụ thể, tỷ lệ CASA doanh nghiệp cải thiện 10% so với quý trước đạt 33.800 tỷ đồng trong khi CASA bán lẻ phục hồi với tốc độ chậm hơn là 3,6% so với quý 1, đạt 56.400 tỷ đồng

Hơn nữa, SSi Research cho rằng ACB có thể tận dụng lợi thế từ chi phí vốn thấp hơn so với các ngân hàng khác, cũng như các điều khoản mới trong Thông tư 06 về cho vay tái cấp vốn, để giành thêm thị phần.

Cũng trong nửa đầu năm, tăng trưởng lãi thuần từ phí của ngân hàng giảm 19% so với cùng kỳ do thu nhập từ bancassurance giảm (giảm 30,5%) nhưng các nguồn doanh thu khác như kinh doanh ngoại hối (tăng 126%) và lợi nhuận kinh doanh chứng khoán tăng mạnh. Phí dịch vụ thẻ cũng tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng kỳ vọng hoạt động bancassurance và thanh toán quốc tế lấy lại quỹ đạo tăng trưởng khi đã có thể chạm đáy vào nửa đầu năm.

VDSC nhận định thu nhập từ mảng chứng khoán (G-Bond) đã được ngân hàng tận dụng nửa đầu năm khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu, tuy nhiên nửa sau 2023 thu nhập từ mảng này có thể giảm dần vì lợi suất không còn hấp dẫn.

Cả VDSC và SSI đều dự báo NIM của ACB sẽ thu hẹp trong năm 2023.NIM của ngân hàng đã giảm xuống mức 4,19% trong quý 2/2023 (giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước), các chuyên gia SSI cho rằng NIM có thể giảm nhẹ trong quý 2/2023 trước khi ổn định trong quý 4/2023, đồng thời ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 20.000 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ).

Về chất lượng tài sản, nợ nhóm 2 và nợ xấu lần lượt là 3,8 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với quý trước) và 4,6 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với quý trước). Nguyên nhân chính làm tăng nợ xấu trong quý 2/2023 đến từ các công ty sản xuất, vận tải và kho bãi, cũng như các khoản vay mua nhà.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,07% trong quý 2/2023 (so với 0,96% trong quý 1/2023) mặc dù Ngân hàng đã tích cực xóa 400 tỷ đồng nợ xấu trong Q2/2023. Tại thời điểm cuối Q2/2023, tổng các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02 của ACB là 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,28% tổng tín dụng), trong khi các khoản vay tái cơ cấu do Covid giảm xuống 5,8 nghìn tỷ đồng (giảm 30% so với đầu năm).

Theo SSi Research, ACB sẽ thận trọng trong việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 với mục tiêu dưới 1% tổng tín dụng. Bên cạnh đó, SSi Research nhận thấy tỷ lệ hình thành nợ xấu có xu hướng giảm trong quý 2/2023, xuống mức 0,24% (so với 0,34% trong quý 1/2023).

Với nợ Nhóm 2 tăng trưởng chậm lại, SSi Research cho rằng tỷ lệ hình thành nợ xấu cũng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, giúp giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng.

Theo VDSC, nợ xấu hình thành ghi nhận sự chậm lại và được kiểm soát duy trì tương đối so với thời điểm cuối quý 2. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 của ngân hàng đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ. Hiện tại ACB đã trích lập dự phòng 50%.

Nợ xấu kéo theo (CIC) có xu hướng tăng nhanh trong năm 2023 (500 - 600 tỷ), so với mức (200 - 300 tỷ) của các năm trước. So sự ảnh hưởng của nợ kéo theo, chi phí dự phòng cả năm 2023 dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng, đồng nghĩa mức trích lập cho nửa cuối năm sẽ thấp hơn nửa đầu năm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng tốc độ xử lý và thu hồi nợ tại ACB dự kiến sẽ chậm lại so với các năm trước do sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS). Mặc dù vậy, phần lớn tài sản thế chấp tại ACB là BĐS ở khu vực dân cư đông đúc nên khả năng thanh lý khi thị trường BĐS hồi phục là rất cao.

Tỷ lệ nợ xấu được ACB kỳ vọng sẽ kiểm soát quanh mức hiện tại, tốc độ nợ xấu tăng chậm lại, tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 12% - 14% trong năm 2023.

Theo VDSC, trái với các năm trước luôn vượt kế hoạch lợi nhuận 10 – 20%, năm 2023 khả năng ACB chỉ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chuyên gia “chỉ điểm” 3 cổ phiếu ngành ngân hàng đáng "xuống tiền"

Mảng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ tăng tốc trở lại với kỳ vọng 12% - 13%. Cổ phiếu ACB, BID, TCB đang là ...

ACB 'nói không' với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết ngân hàng ...

ACB tiếp tục phát hành lô trái phiếu thứ 2 trong năm để huy động thêm 2.500 tỷ đồng

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 2 được ngân hàng ACB phát hành trong năm 2023 này. Trước đó, vào ngày 16/8, ACB ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán