Tăng trưởng tiền gửi khách hàng sụt giảm trong quý III/2022

(Banker.vn) Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2022 đang thấp hơn con số 6 tháng đầu năm là 4,77%.
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng sụt giảm trong quý III/2022
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng sụt giảm trong quý III/2022

Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (GSO), đà tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) có dấu hiệu giảm dần trong quý III.

Tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%). Trong đó, huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm trước tăng 7,17%.

Đáng chú ý, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của hệ thống TCTD trong 6 tháng đầu năm đã đạt 4,77%, cao hơn con số 4,04% đến tháng 9/2022 của Tổng cục Thống kê.

Có thể thấy, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng có thể đã sụt giảm trong quý 3 vừa qua. Việc huy động vốn chững lại cũng đã gây áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng, trong bối cảnh chênh lệch giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng ngày càng rộng.

Trước áp lực trên, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian vừa qua bao gồm cả 4 ngân hàng quốc doanh (tăng thêm 1 điểm %). Mức lãi suất cao nhất áp dụng tại một số ngân hàng vượt mức 7%/năm, có nơi vượt mức 8%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) cũng tăng 0,3% lên 0,5%/năm. Lãi suất cho loại tiền gửi này từng được áp trần 1%/năm trước năm 2019 và liên tục được điều chỉnh giảm. Đến tháng 5/2020 lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn chỉ còn 0,2%/năm.

Chẳng hạn tại Kienlongbank, ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần lên 0,5%/năm. Tương tự với SCB, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần 0,5%/năm.

Các ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tiền gửi thanh toán lên 0,5%/năm có thể kể đến như NCB, BacABank, ABBank, NamABank, SeABank,...

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.

Tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90 – 110 điểm cơ bản (0,9 – 1,1 điểm %) trong 8 tháng đầu năm, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh.

VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.

Nhóm phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 150-200 điểm cơ bản (1,5 – 2,0 điểm %) so với giai đoạn dịch bệnh, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.

Lâm Tuyền

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán