“Tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tới là rất thách thức”

(Banker.vn) Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam để đạt GDP 7%/năm trong 3 năm tới đòi hỏi tiêu dùng nội địa phải tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% và đặc biệt là tổng đầu tư phải tăng 9%.

"Nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn", ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam nêu trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" diễn ra ngày 19/9.

Theo ông Thành, sau hai quý đầu năm 2023 có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong cả năm trở nên vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không khả thi khi hai quý cuối năm phải tăng trưởng đến 9% so với cùng kỳ.

Vị chuyên gia này cho rằng, kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn là quý III/2023 và quý IV/2023 sẽ có GDP tăng lần lượt là 6,5% và 7,5% khi xuất khẩu bớt giảm sâu ở khía cạnh kinh tế đối ngoại và mặt bằng lãi suất giảm thấp hơn đối với kinh tế nội địa. Tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ là 5,5%.

Ông Thành cho biết, với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ đồng (30,1 tỷ USD), nếu giải ngân được 95% kế hoạch sẽ tăng 24,6% so với năm 2022 và cộng thêm khoảng 1,2-1,3 điểm % vào tốc độ tăng trưởng. Tỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023. Nếu đạt được, thì tốc độ tăng 5,5% hoặc có thể lên đến 5,8% là có thể đạt được.

nguyen-xuan-thanh.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam - Ảnh: Media Quốc hội

Nhìn rộng ra cả nhiệm kỳ từ năm 2021-2025, ông Thành đánh giá yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tới sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

“Con số này đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Còn phía các khu vực kinh tế: Sản xuất kinh doanh, nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp 7-7,2% và dịch vụ 6,8-7%. Kịch bản này đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng ‘giật cục’”, ông Thành phân tích.

Tuy nhiên, theo tính toán của vị chuyên gia này, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ ở mức cao (giải ngân trên dưới 15 tỷ USD/năm), đầu tư tư nhân có thể phục hồi so với năm 2022 nếu mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, nhưng để tổng đầu tư tăng 9% thì đầu tư công vẫn phải là động lực quan trọng.

“Theo kế hoạch ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn hiện hữu, thì quy mô tuyệt đối của chi đầu tư từ nguồn vốn ngân sách sẽ giảm vào năm 2024 và năm 2025. Nhưng nếu theo kế hoạch này, đầu tư sẽ khó có thể là động lực cho tăng trưởng trung hạn, đặc biệt là khu vực bất động sản và xây dựng tư nhân sẽ không thể phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới”, ông Thành lưu ý.

Do đó, ông Thành đề xuất kế hoạch ngân sách nhà nước, trong đó có đầu tư công trung hạn cần được điều theo hướng tăng mạnh hơn đầu tư công. Theo đó, quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ đồng (30,1 tỷ USD) thì nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn từ năm 2024-2026.

“Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ trong khoảng 5,2-5,5%.

Tuy nhiên, với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng có thể chỉ đạt 4,4-4,5%. Còn với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.

Đối với năm 2024 và năm 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Hoàng Hà

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ