Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng doanh nghiệp chưa hết khó

(Banker.vn) Doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, dù bức tranh kinh tế tháng 5/2023 có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng kinh tế quý II/2023 dự báo tích cực hơn.
Tăng trưởng kinh tế đang chịu tác động từ thị trường bất động sản Nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư công tiếp tục có chuyển biến

Phát biểu Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023 diễn ra vào sáng 3/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5/2023 tiếp tục có chuyển biến so với tháng trước và quý I/2023.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5/2023 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước, trong khi tháng 4/2023 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1% so với tháng 3. 5 tháng, cả nước ước xuất siêu 9,8 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD.

3426-3
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5/2023 tiếp tục có chuyển biến so với tháng trước và quý I/2023

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong tháng 5/2023 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ 2022.

Trong khi đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng tăng 12,6%. Đây là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.

Điểm đáng chú ý, theo Bộ trưởng, đó là các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… Tất cả đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công đã có tín hiệu tích cực. Đến 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “Chúng ta đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm”.

Công cuộc cải cách hành chính tại Bộ Công Thương trong thời gian qua đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%

Vẫn cần gỡ khó cho khu vực doanh nghiệp

Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa dù đã phục hồi nhẹ trong tháng 5/2023, nhưng tính chung 5 tháng lần lượt giảm 14,7%, 11,6% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

“Các thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN tiếp tục giảm trong tháng 5/2023. Nhập khẩu tư liệu sản xuất 5 tháng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng giảm 15,7%). Điều này cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất - kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường. Tính chung 5 tháng, 95.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, nhưng cũng có tới hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Qua thảo luận tại Quốc hội và kết quả làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, có ba khó khăn, thách thức lớn với khu vực doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, bao gồm:

Thứ nhất, là khó khăn về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn lưu động cho sản xuất - kinh doanh; Thứ hai, là khó khăn về thị trường, nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ…; Thứ ba, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhiều nhưng chưa thông thoáng, làm tăng chi phí cho sản xuất - kinh doanh.

Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, tuy nhiên theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn cần có các giải pháp để tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại gắn với thời gian, phạm vi cụ thể.

Một khó khăn khác được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Chưa kể, rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo… những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư... trong nước. Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong một sớm, một chiều, trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch Covid-19 đã đến mức tới hạn.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương