Tăng tính hiệu quả khi thực thi FTA

(Banker.vn) Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, nhiều doanh nghiệp (DN) dần thích nghi với cam kết của hiệp định. Tuy nhiên, làm thế nào để tăng tính hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của "người đi trước" đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động hơn nữa từ DN và hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có sự biến chuyển, chính sách của các nước lớn cũng thay đổi nhanh chóng, những FTA có hiệu lực đi liền với xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực. Điều này cũng tạo thách thức đối với DN xuất khẩu Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022, mở ra cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc thực thi và khai thác hiệu quả hiệp định này sẽ có những thách thức hơn bởi thị trường các nước RCEP có cơ cấu kinh tế tương đồng với Việt Nam. "Các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam, có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất. Nếu lượng nhập siêu quá lớn và lâu dài cũng có thể mang tới rủi ro nhất định" - ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Với Liên minh châu Âu (EU), mặc dù đã có những thành công bước đầu mà Hiệp định EVFTA mang lại, nhưng đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, quy định nghiêm ngặt, nhất là về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hiện nay, EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với các quốc gia khác trong khu vực. Đây là thách thức đối với người nông dân, DN xuất khẩu Việt Nam để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn.

Trong khi đó, với Hiệp định UKVFTA, Chính phủ Anh đang chủ động thực hiện chiến lược thương mại "Global Britain" nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh (kiêm nhiệm Ireland) - cho biết, Anh đã sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức "có đi, có lại" với đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán FTA với 19 quốc gia hoặc liên minh các quốc gia. Ngoài ra, Anh cũng đang quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này có nghĩa, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP. Với 15 FTA đã có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của "người đi trước", tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường đối tác. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, DN phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu; tích cực, chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Đặc biệt, "phải chủ động công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm khách hàng của các ngân hàng Anh" - ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.

Hiệp định RCEP được thực thi mới đây mặc dù có nhiều cơ hội, song cũng tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn. Vì vậy, DN phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh đó. Ngoài ra, để tận dụng được thành công từ Hiệp định RCEP, DN cần nâng cao hơn nữa tính chủ động.

Sau hơn một năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt trên 40 tỷ USD, tăng 14%. Hiệp định UKVFTA được thực thi từ đầu năm ngoái cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD, giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số. Còn với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA như Canada tăng 19,5% và Mexico 46,1%.
Tuệ Minh
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương