Tăng “sức đề kháng” để doanh nghiệp phục hồi

(Banker.vn) Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn này chính là tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại cả trong nước và quốc tế.
Ngành Công Thương tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Ưu tiên những ngành tạo nhiều việc làm Tận dụng cơ hội từ FTA giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

Khó khăn kéo dài

Dù một số dấu hiệu cho thấy đã có sự khởi sắc hơn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều thách thức về thị trường khi tổng cầu kinh tế thế giới và các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm. Những thách thức này không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Điển hình như tại thị trường EU, các doanh nghiệp cho biết do hàng hóa tiêu thụ không được nên các nhà mua hàng giảm mạnh đơn đặt hàng, dẫn đến hàng hóa sản xuất cho thị trường khu vực này sụt giảm đến 50%, thậm chí có doanh nghiệp sụt giảm 70-80%.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt (Viet Products) cho biết, từ giữa năm ngoái đến nay, đơn hàng xuất khẩu vào thị trường các nước ở khu vực này bị giảm hơn 50%. Thậm chí có nhà nhập khẩu không đặt hàng trong thời gian dài.

“Mùa bán hàng dịp lễ hội và mua sắm cuối năm sắp đến, các nhà nhập khẩu rục rịch đặt hàng trở lại nhưng số lượng rất thấp. Thị trường tiêu thụ khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài”, ông Sang nói.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, đánh giá: Dù sắp đến mùa Giáng sinh và cuối năm nhưng chưa có dấu hiệu tốt. Hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc nhiều lĩnh vực cũng cho biết đơn hàng dù đang có xu hướng rục rịch trở lại song còn rất thấp.

Tăng “sức đề kháng” để doanh nghiệp phục hồi
Khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn kéo dài khi đơn hàng sụt giảm mạnh

Không chỉ thị trường xuất khẩu, với thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm. Ông Hoàng Ngọc Hiến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Gốm Hiến Nam (Đồng Nai) chia sẻ, các sản phẩm gốm sản xuất tại cơ sở phục vụ 2 tệp khách hàng chính là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự và gốm phục vụ người dân. Thông thường hàng năm, thời điểm hiện tại lượng hàng của doanh nghiệp ký kết với các đối tác khá dồi dào, việc làm của người lao động luôn được đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay, dòng gốm dân dụng vốn chiếm phần lớn sản lượng đang bị sụt giảm doanh số vì người tiêu dùng hạn chế mua hơn, sản xuất tại doanh nghiệp đang cầm cự và để phục vụ chủ yếu cung cấp cho các cơ sở thờ tự.

Theo chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật, hàng công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai, doanh số hiện nay chỉ đạt khoảng 60% so với trước. Bên cạnh đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp còn có nguy cơ đối mặt với việc “chảy máu” lao động, một số lao động lành nghề nghỉ việc sẽ tạo áp lực cho đào tạo, tuyển dụng về sau.

Giúp doanh nghiệp tăng “sức đề kháng”

Để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần tháo gỡ các khó khăn nội tại của kinh tế nói chung, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, gỡ khó thị trường bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường... Đồng thời giảm lãi suất ngân hàng cùng các loại phí và ưu đãi một số chính sách như giảm thuế, gia hạn thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức nhiều lần xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nhiều doanh nghiệp tìm thêm được khách hàng để ký kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. “Một trong những giải pháp Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả trong giai đoạn này chính là tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài ở những thị trường có tiềm năng”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, ngành Công thương đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ triển khai đến hết năm 2023. Theo đó, ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào, định hình các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình như, trong tháng 9 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.

Ông Vũ Bá Phú kỳ vọng sự kiện sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.

Ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng phải chủ động, nỗ lực và linh hoạt trong tìm kiếm các khách hàng từ nhiều thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tái cơ cấu để có nguồn nhân lực nhà máy sản xuất hiện đại để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục