Tăng lương và giải pháp kiểm soát giá và lạm phát

(Banker.vn) Việc tăng lương chỉ có ý nghĩa thực sự khi đi kèm với kiểm soát lạm phát, tránh tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu kiểu “tát nước theo mưa” .
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tăng lương lần này phải đặc biệt quan tâm đến kiểm soát giá, CPI Tăng cường kiểm soát, quản lý giá khi điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% Tại sao tăng lương cơ sở 30%, còn lương hưu chỉ tăng 15%?

Vừa qua, Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống của người hưởng lương, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất.

Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Việc tăng lương cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng lương và giải pháp kiểm soát giá và lạm phát
Quốc hội thông qua việc tăng lương cơ sở thêm 30%, lương hưu tăng 15% kể từ 1/7/2024.

Niềm vui của hàng chục triệu người

Lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay đã mang lại niềm vui cho hàng chục triệu người lao động, viên chức nói chung. Việc tăng lương cơ sở rất ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh kinh tế đang còn khó khăn hiện nay. Mức lương mới không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn tạo động lực cho công chức, viên chức tiếp tục cống hiến và gắn bó công việc hằng ngày của mình.

Chị Lâm Quỳnh Nga – Trưởng khu phố tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự vui mừng khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng: "Thật ra, cuộc sống bây giờ tôi thấy mức chi tiêu sinh hoạt còn đang khá cao so với mức thu nhập của người dân. Việc lương tăng nhiều hơn so với lần trước thì tôi thấy vấn đề này không chỉ riêng cá nhân tôi mà là tất cả người dân đều quan tâm và phấn khởi. Tôi cũng mong muốn lương tăng thì chất lượng cuộc sống cũng như sự bình ổn về giá cả không có nhiều biến động quá lớn, ảnh hưởng đến chi tiêu trong cuộc sống của người dân."

Niềm vui của chị Nga không chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn là cảm xúc chung của nhiều người lao động khác.

Chị Đỗ Thị Thu Hằng, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định có nhiều năm kinh nghiệm với nghề cho biết, mình được nằm trong số các đối tượng làm việc trong ngành y tế được tăng lương cao: "Những năm chống dịch vừa rồi, cuộc sống của các nhân viên y tế rất khó khăn và vất vả nhưng năm nay được tăng lương. Tôi rất phấn khởi vì Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của cán bộ công viên chức, người lao động đang khó khăn. Đấy cũng là động lực cho họ gắn bó với cơ sở mà mình đang công tác lâu dài hơn cộng với công việc mình theo bao nhiêu năm."

Lo lạm phát và giá cả tăng cao

Bên cạnh niềm vui tăng lương, nhiều người lao động đang lo ngại về tình trạng "lương chưa tăng giá đã vội tăng”. Việc tăng lương có kéo giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo, gây áp lực lên lạm phát hay không đang là điều mà nhiều người quan tâm. Vì vậy, chỉ khi kiềm chế được lạm phát thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa, đảm bảo nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ.

“Tăng lương 30% lại dẫn đến lạm phát thì quyền lợi của người lao động cũng không được hưởng bao nhiêu, bởi giá cả thực tế đi trước rất nhiều”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định.

Bởi nếu lạm phát bị đẩy lên cao quá thì dù cán bộ, công chức, viên chức được hưởng mức lương rất cao nhưng tiền lương tăng lên sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Ghi nhận tình hình hàng hóa và giá cả tại một số chợ trên địa bàn TP. Hố Chí Minh cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa liên tục tăng trước thời điểm lương tăng. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm như thịt heo, gạo, trứng, rau củ quả đã tăng giá từ 5-10% tùy theo từng sản phẩm. Tuy nhiên tại các siêu thị vẫn giữ bình ổn giá thị trường.

Tăng lương và giải pháp kiểm soát giá và lạm phát
Người dân lo ngại lương tăng giá cả tăng theo (Ảnh minh hoạ).

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết: "Từ đầu tháng 6 đến nay, mặt hàng tươi sống như thịt được ghi nhận có mức tăng 5-10%, riêng rau, củ, quả với mức tăng từ 10-50%. Đối với các mặt hàng đông lạnh cũng có mức tăng từ 15-20%. Giá do thị trường quyết định, mua hàng về nhiều thì cung cầu sẽ giảm, hàng về ít sức mua tăng. Nhìn chung, hàng về chợ trong thời điểm hiện tại ở mức bình ổn 2.300 tấn. Cụ thể, mặt hàng rau củ quả 1.610 tấn và trái cây 282 tấn, thịt heo 367 tấn. Về giá cả, đa số các mặt hàng rau củ quả là do các nguồn cung dồi dào".

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart nhấn mạnh, giá cả tại tất cả siêu thị Co.opmart trên toàn quốc hiện tại bình ổn, không có sự biến động khi có thông tin tăng lương: "Giá cả tại tất cả siêu thị Co.opmart trên toàn quốc hiện tại bình ổn, không có sự biến động khi có thông tin tăng lương. Hiện nay, Co.opmart trong tháng 7 dịp hè đã chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo giá sẽ không tăng và tung ra khuyến mãi nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Hợp tác xã. Nó sẽ cũng tác động theo xu hướng tốt khi tăng lương và kích thích thương mại dịch vụ. Trước giờ, Co.op luôn cam kết với khách hàng trong hoạt động cả năm, làm sao cho giá tốt nhất đến với khách hàng và hạn chế tối đa việc tăng giá".

Nỗ lực bình ổn giá

Việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, giúp cải thiện đời sống và tạo động lực làm việc. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức về tình hình giá cả và nguy cơ lạm phát. Để đảm bảo việc tăng lương thực sự mang lại hiệu quả tích cực, cần có các biện pháp kiểm soát giá cả, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường công tác thông tin. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ để vượt qua các thách thức này, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững và đời sống người dân được nâng cao.

Để tránh hiện tượng “lương tăng, giá tăng”, Chính phủ đang hết sức tập trung giải quyết. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương”.

Làm được điều này, vấn đề đặt ra là phải theo dõi sát, kiểm soát chặt giá cả hàng hóa, đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, kiểm soát được lạm phát trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương."

Để bình ổn giá, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa cũng như tình hình cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tiếp nhận kịp thời các văn bản thông báo hoạt động khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo đúng quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý giá, giữ thị trường hàng hóa ở mức bình ổn, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương