Tăng lương cần kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo.
Vì sao lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024? Nguồn lực cải cách tiền lương đã sẵn sàng cho cả giai đoạn 2024-2026 Chính phủ báo cáo Quốc hội về ngân sách và nguồn cải cách tiền lương

Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần lưu ý một số vấn đề còn tồn tại.

Tăng lương cần kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát
Trong bối cảnh ngân sách hiện nay, việc tăng lương là sự nỗ lực lớn

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu nhìn cả chặng đường đến năm 2023, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ngày một giảm. Năm 2023 chỉ đạt 15,7%, thấp hơn so với quy định tại Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm. Trước đó, trong năm 2022 tỷ lệ này cũng đã có xu hướng giảm.

"Nếu so sánh tỷ lệ huy động vào ngân sách của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng rất thấp. Nếu đối chiếu với chỉ tiêu trong Nghị quyết 23 thì chưa đạt" - bà Mai nói.

Về tính bền vững của thu ngân sách, theo đại biểu đoàn Hà Nội, mặc dù năm 2023 hoàn thành dự toán đặt ra là sự quyết liệt, cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tăng thu từ sản xuất kinh doanh còn chừng mực.

Bên cạnh đó, số thu đến từ chênh lệch thu chi ngân hàng. Số thu ổn định trước đây như đất đai bất động sản sang năm 2023 đạt thấp. Qua giám sát nhận thấy, nổi lên vấn đề nhiều địa phương không dám hành động.

Các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bên cạnh những yếu tố rủi ro có yếu tố về mặt tâm lý, nhiều địa phương cả năm không triển khai đấu giá được bất kỳ khu vực nào.

Chia sẻ với các địa phương, bà Mai cho hay, ngay cả khi tiến hành xác định giá đất, việc thuê các cơ quan thẩm định cũng rất khó khăn. Nhiều tổ chức thẩm định không muốn thực hiện chức năng thẩm định.

Liên quan đến chính sách thu, qua giám sát cho thấy, nhiều địa phương băn khoăn chính sách miễn giảm thuế. Trong cả năm 2023, số thu từ giảm thuế khoảng 75.000 tỷ đồng. Con số này một mặt thể hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế nhưng mặt khác cũng tác động tới số thu của các địa phương.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động bởi chính sách miễn giảm thuế rất lớn. Việc giảm thuế đã diễn ra trong nhiều năm. “Tại những bối cảnh, thời điểm nhất định, có thể việc giảm thuế là cần thiết nhưng chúng ta phải đánh giá được hiệu quả của việc giảm thuế. Bức tranh hiệu quả của việc miễn giảm thuế chưa rõ ràng” - đại biểu đoàn Hà Nội nhận định.

Do đó, trong tương lai, chúng ta cần tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính trung lập của thuế. Và việc miễn giảm thuế cũng nên hạn chế ở mức tối đa.

Liên quan đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị khẳng định rõ, cần tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tăng cường vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương nhưng đến nay chưa triển khai.

Trên thực tế, trong nhiều tình huống, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương không được đảm bảo. Ví dụ như khi xây dựng các công trình mang tính liên vùng, mang tính động lực lan tỏa, việc bố trí nguồn lực rất khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn và sớm triển khai Nghị quyết của Đảng về vấn đề này.

Trong năm 2024, đại biểu cho rằng, điểm nhấn chính là vấn đề tăng lương. Thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đưa ra đề án cải cách tiền lương và sẽ trình Quốc hội thông qua. Theo đề án, lương của cán bộ công chức và các lực lượng liên quan sẽ tăng từ ngày 1/7/2024.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý vấn đề kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Bởi mỗi lẫn điều chỉnh lương, có những tác động tiêu cực lạm phát, giá cả tăng cao. Hiện nay, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả tăng cao.

“Nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo” - đại biểu nói.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách hiện nay thì việc tăng lương là sự nỗ lực cố gắng lớn. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn điều này mang tính thực chất, không cào bằng. Theo quy định của Nghị quyết 27, khi tăng lương sẽ không còn các khoản phụ cấp khác.

Đồng thời, Chính phủ cần lưu ý vấn đề khi không còn các phụ cấp, sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập của những đối tượng này. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương cũng cần tinh giản biên chế để bộ máy hiệu quả.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương