Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Bàn cân và sự đánh đổi ngắn hạn vì dài hạn
Từ sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5 (ngày 21/9/2022) trong tháng 9/2022, các nền kinh tế châu Á chi tới 50 tỷ USD bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Đồng Yên Nhật mất giá đến 30%... Bảng Anh mất giá gần 19% so với đô la Mỹ. Nhiều dự báo về khả năng tiếp tục tăng lãi suất đã được đưa ra, với mức tăng cao, có thể vào khoảng 4,5 - 4,7% vào giữa năm 2023.
Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, việc ghìm giữ lãi suất trong nước là việc khó khăn và đầy thách thức.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực kiềm giữ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần liên điều chỉnh tăng lãi suất điều tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9; 25/10). Động thái tăng lãi suất điều hành là nhằm đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Cùng với tăng lãi suất điều hành, NHNN cũng thực hiện nới biên độ từ +/-3% lên +/-5% kể từ ngày 17/10.
Theo các chuyên gia, với áp lực như hiện nay, việc tăng lãi suất điều hành là cần thiết và sẽ giúp cho việc cân bằng các mục tiêu lớn của nền kinh tế như tỷ giá, lạm phát.
Nhiều chuyên gia cho rằng: với bối cảnh lạm phát, tỷ giá và lãi suất trên thế giới hiện nay, việc điều hành chính sách của Việt Nam, cụ thể là điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn phải chấp nhận đánh đổi. Ổn định lãi suất hay ổn định tỷ giá, phải lựa chọn. Chọn thế nào thì cơ quan điều hành dựa vào đánh giá tác động và đặt lên bàn cân làm sao để được nhiều nhất và mất ít nhất.
Cũng theo giới chuyên môn, trong bối cảnh hiện nay, điều hành chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá cần hợp lý để ổn định giá trị đồng tiền nhưng đồng thời phải duy trì lãi suất ở mức độ hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Để ổn định thị trường ngoại hối, cần chấp nhận tỷ giá tăng cao. Tăng lãi suất sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND và cũng là bảo đảm lãi suất thực dương.
Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mức độ mất giá đồng VND từ đầu năm cho đến tháng 9 là gần 5%, trong khi biên độ mất giá đồng tiền ở hầu hết các nước trong khu vực là 15 thậm chí đến 20% hoặc là hơn.
“Chúng ta đã thành công trong việc kìm giữ tỷ giá đô la trong thời gian 3 quý đầu tiên của năm 2022. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rất rõ là trong quý còn lại của năm 2022, áp lực lên tỷ giá, lãi suất sẽ đến từ rất nhiều yếu tố”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.
Còn theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là tất yếu. Động thái này không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, mà còn hỗ trợ tỷ giá và lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Rất có thể Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 11 này. Vì thế thời điểm điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của NHNN được một số chuyên gia đánh giá là phù hợp. Bởi càng về cuối năm áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, nếu đến khi đó mới có điều chỉnh thì sẽ càng tạo áp lực hơn.
Ổn định và niềm tin là quan trọng nhất
Trên thế giới đồng tiền của nhiều quốc gia đã mất giá mạnh, với mức mất giá 10-30%. Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã liên tục tăng lãi suất. Ước tính đến cuối tháng 9/2022, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi cả năm 2021.
Trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lãi suất và lạm trên thế giới tăng cao đã tạo nên tâm lý kỳ vọng. Việc tăng lãi suất tiền đồng sẽ đảm bảo mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền, ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng đồng thời ổn định thị trường ngoại hối. Các chuyên gia cho rằng, sự ổn định của thị trường ngoại hối rất quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư.
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng như là những chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo cho tăng trưởng ổn định bền vững là rất quan trọng.
Có niềm tin người dân mới yên tâm đầu tư, yên tâm sản xuất, kinh doanh, yên tâm tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Qua đó, giúp tăng tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế.
Tuy nhiên, để tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp thì chỉ một mình ngành Ngân hàng hành động là chưa đủ. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các chính sách vĩ mô khác, hay các gói hỗ trợ của Chính phủ, cần được triển khai nhanh và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế hơn để đạt hiệu quả hỗ người dân và doanh nghiệp cao nhất, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lương Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|