“Giảm lãi suất để thu hút các doanh nghiệp vay vốn là giải pháp đơn giản nhất, nhưng không thay thế được hoàn toàn.” – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định. |
Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp đang là vấn đề được Chính phủ, các cấp, ngành địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 25/7, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, sản xuất bị thu hẹp, hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài và nhiều khó khăn, thách thức khác.
Về tác động ngoại địa, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn, cạnh tranh chiến lược, xung đột địa – chính trị ở một số nước ngày càng gay gắt, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng nhanh kéo dài.
Nhận xét về nền kinh tế thế giới, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh chỉ ra 2 “cơn gió ngược” là suy giảm kinh tế thế giới và điều kiện tài chính tiền tệ “ngặt nghèo”. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga – Ukraina diễn ra khiến tình hình thêm căng thẳng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng Việt Nam tăng chậm chủ yếu do sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp “đúng và trúng” là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 100.000, tăng 19,7%.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC cho biết “khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu vốn để bán hàng, đi vay thì ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo nên chúng tôi không thể đáp ứng được”.
Doanh nghiệp khó khăn đã tác động và ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng có tốc độ huy động vốn khoảng 4% và tăng trưởng tín dụng khoảng 4,3%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua. Vì vậy, việc tìm lời giải cho bài toán khó “tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” là vô cùng cấp thiết.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi trở lại từ tháng 6/2023. Tổng kết 6 tháng đầu năm, thanh khoản đã cải thiện, biến động tỷ giá thấp, Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất, mua ngoại tệ dự trữ, lãi suất huy động “hạ nhiệt”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản được hỗ trợ tài chính nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh khó khăn, các ban ngành, ngân hàng thương mại cũng như các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cùng nhau vào cuộc. Giảm lãi suất để thu hút các doanh nghiệp vay vốn là giải pháp đơn giản nhất, nhưng không thay thế được hoàn toàn.
Sau khi chỉ ra 2 “cơn gió ngược” của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, một lần nữa TS. Võ Trí Thành khẳng định, hạ lãi suất không phải là “liều thuốc vạn năng” để tăng khả năng hấp thụ vốn cho dù lãi suất là vấn đề quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Long, Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV phát biểu, việc nghiêm túc triển khai các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là việc quan trọng hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, việc cải cách thủ tục rườm rà, giảm thiểu tối đa những giấy tờ phức tạp được chú trọng đẩy mạnh. Tinh gọn các thủ tục cho vay là một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí ngoài lề, thu hút doanh nghiệp vay vốn.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc triển khai chính sách của Nhà nước, cải cách thủ tục, việc phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Nếu doanh nghiệp khó khăn mà địa phương không kịp thời nắm bắt, không triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thì khả năng thu hút vốn gần như bằng không.
Không chỉ xét những yếu tố khách quan, các chuyên gia từ 3 ngân hàng Vietinbank, Agribank, BIDV đều cho rằng chính doanh nghiệp cũng cần phải biết nắm bắt thời cơ kinh doanh, chủ động tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng.
Bước qua những khó khăn, kinh tế Việt Nam kỳ vọng cả vào tình hình bên ngoài và nỗ lực nội tại như đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tiền tệ, kích cầu tiêu dùng, thu hút FDI qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo…
Bên cạnh đó, Hội thảo còn nêu ra một số vấn đề cần phải nghiên cứu, xem xét để phục hồi nền kinh tế Việt Nam, điển hình là chính sách tiền tệ, lý do xuất khẩu giảm mạnh, biến động tỷ giá… Các chuyên gia kinh tế mong rằng trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế trong và ngoài nước “hạ nhiệt” để giảm bớt khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Ngọc Bích
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|