Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp: Giảm lãi suất chỉ là một "chìa khóa"

(Banker.vn) Giảm lãi suất mới chỉ là một "chìa khóa", "chìa khóa" thứ hai do chính doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, sử dụng vốn hiệu quả.
Bàn giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp Tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7.

Sức cầu yếu, doanh nghiệp “ngại” vay vốn

Chia sẻ tại hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới liên tục tăng và neo ở mức cao. Hiện, lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã được giảm từ 0,5 - 2% so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với sản xuất kinh doanh hiện từ 5 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 8,5 - 11%/năm.

Dù lãi suất giảm, nhưng đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế mới đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với mục tiêu của cả năm nay là khoảng 14%. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn dẫn tới tín dụng cho sản xuất kinh doanh giảm theo.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp: Giảm lãi suất chỉ là một
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Nói về nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ ra, 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn. Còn trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau dịch Covid-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro… là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm thấp.

“Các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng; gói 15.000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản; cùng một loạt các chương trình khác đều đã được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Theo ông Tú, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cũng bàn về sức cầu nền kinh tế yếu, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện tại sức cầu đang suy yếu, ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho hay, vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp không có năng lực mà họ không muốn vay vốn. “Tôi thấy số liệu thống kê của doanh nghiệp niêm yết cho thấy tỷ lệ nợ trên vốn đang là 60%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có nhiều dư địa để vay vốn nhưng họ không có nhu cầu vay” - ông Ketut Ariadi Kusuma nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, do nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đều yếu, dẫn đến đơn hàng giảm sút nên dù từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng không có nhu cầu vay vốn. Thay vào đó, chỉ khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì doanh nghiệp mới dám vay vốn trở lại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn khi sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt.

Theo ông Vân, để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nhất là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để phục hồi.

“Cùng với những chính sách giảm lãi suất, các ngân hàng cũng cần tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” - ông Vân kiến nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân nêu thực tế, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều. Do đó, các cơ quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn. Rất nhiều doanh nghiệp đang đề nghị ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp để dễ bề tiếp cận vốn.

Để gỡ nút thắt về tín dụng, bên cạnh lãi suất, nhiều doanh nghiệp mong muốn các điều kiện cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên, vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp: Giảm lãi suất chỉ là một
Hội thảo Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Ngân hàng nỗ lực đơn giản hóa điều kiện cho vay

Đại diện VietinBank cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi về lãi suất, VietinBank tập trung rà soát chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng theo từng phân khúc, tiểu phân khúc khách hàng, từ đó rút ngắn thời gian xử lý, tinh gọn thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp.

Riêng với phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng đã thiết kế quy trình cấp tín dụng và quy trình giải ngân rút gọn, trên cơ sở rà soát từng bước trong quy trình, các mẫu biểu dành cho khách hàng và cán bộ ngân hàng cần xử lý, rút ngắn tới 30% so với quy trình cấp tín dụng thông thường, đảm bảo đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thêm vào đó, VietinBank liên tục xây dựng và cải tiến các giải pháp về tín dụng phù hợp với nhu cầu thị trường và theo đặc thù từng nhóm ngành trọng điểm, như các nhóm ngành xây lắp, dược phẩm và thiết bị y tế, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại phân phối… từ đó giúp định hướng và nâng cao năng lực cho các chi nhánh trong việc tiếp cận và thẩm định khách hàng, cũng như hướng dẫn khách hàng hoàn thiện các hồ sơ, điều kiện tín dụng đáp ứng theo quy định của ngân hàng.

Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Long cho biết, BIDV đã xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục, mẫu biểu khách hàng phải cung cấp, tinh giản quy trình nội bộ như phê duyệt, giải ngân từ đó rút ngắn thời gian cấp tín dụng đối với khách hàng.

BIDV cũng ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành. Ngoài các giải pháp trên, BIDV quán triệt toàn hệ thống chủ động phân nhóm khách hàng để triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm cung ứng vốn tín dụng kịp thời giúp các doanh nghiệp phục hồi, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh và tình hình mới.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho hay, mọi thủ tục cho vay tại Agribank đều theo quy định pháp luật hiện hành, không đặt thêm bất kỳ thủ tục, điều kiện vay vốn nào. Cũng như VietinBank, BIDV, Agribank ra quyết định cho vay trên cơ sở xếp hạng khách hàng. Thứ hạng của khách hàng dựa trên thông tin của khách hàng, chứ không phải do ngân hàng tạo ra. Vì vậy, để dễ tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực cải thiện hồ sơ của mình.

Ngoài ra, các ngân hàng cho biết đã dần cho vay tín chấp. Các khách hàng có giao dịch lâu năm ở một tổ chức tín dụng, thì ngân hàng sẽ nới các điều kiện về tài sản đảm bảo với các điều kiện về mặt tín dụng, sẵn sàng nhận hàng tồn kho, sẵn sàng nhận khoản phải thu, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cao hơn.

Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, việc cho vay tín chấp với doanh nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất. Hơn nữa, tuy khẩu vị rủi ro của các ngân hàng là khác nhau, song cơ bản, việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thanh khoản ngân hàng hiện đang dồi dào, cho nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay được vốn với lãi suất hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài giải pháp chính sách từ ngành ngân hàng, sẽ phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam: Giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương