Tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền

(Banker.vn) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào? Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Sau gần 25 năm hoạt động, có thể nói, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách bảo hiểm tiền gửi, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính. Nhờ đó, người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tốt nhất để tham gia các giao dịch tài chính, đồng thời khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp. Chính vì vậy, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền.

Tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam  để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

Hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách bảo hiểm tiền gửi, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Suốt quá trình triển khai, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi, hơn nữa luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí bảo hiểm tiền gửi; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi bảo hiểm tiền gửi...

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi được đặt ra ở thời điểm này là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng; xử lý những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai chính sách này trong thời gian qua; và để có những quy định thống nhất với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (Luật số 17/2017/QH14), luật phá sản…

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi còn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, mở rộng hơn nữa là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.

Đồng thời, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi đến công chúng; tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thêm nhiều chương trình phổ biến chính sách, giáo dục tài chính cho người dân tại các địa phương; triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua điều tra, khảo sát; qua đó xây dựng được một Chiến lược truyền thông phù hợp cho từng thời kỳ. Hình thức tuyên truyền cần lan tỏa, tiếp cận đối với đa số người dân - người gửi tiền, các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc phối hợp với các cấp chính quyền và các bộ - ban - ngành liên quan, các tổ chức hành nghề về pháp luật (Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam), đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn... đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên.

Với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống ngân hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, cùng với đó là xu hướng áp dụng các sản phẩm mang tính công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Do vậy, trong ngắn hạn, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất định kỳ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm; nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa... Trong trung và dài hạn, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm nâng cao hiệu lực bảo vệ người gửi tiền.

Ở tầm vĩ mô, cần tăng cường năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (như tăng vốn điều lệ, đa dạng hoá danh mục đầu tư…) để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi - chính sách bảo vệ người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng.

​​​​​​​Linh Thư

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục