Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố trong năm 2024

(Banker.vn) Triển khai nhiều giải pháp, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu hết năm 2024, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố được cấp biển nhận diện.
Hà Nội gắn biển “Nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây” cho 6 cửa hàng đầu tiên Hà Nội: Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây và giảm thiểu rác thải nhựa

Nâng cao nhận thức, tạo thói quen cho người kinh doanh trái cây

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, 83,4% cửa hàng kinh doanh đã được cấp đăng ký kinh doanh; 95,8% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 84,4% cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 70,2% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây đạt tỷ lệ;… UBND các quận, huyện đã cấp biển nhận diện cho 1.067/1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng yêu cầu của Đề án Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Đề án), đạt tỷ lệ 75,5%.

Người tiêu dùng mua trái cây tại Siêu thị Co.opmart Hà Nội (ảnh Nguyễn Hạnh)
Người tiêu dùng mua trái cây tại Siêu thị Co.opmart Hà Nội (ảnh Nguyễn Hạnh)

Trong thời gian qua, thực hiện Đề án Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, về công tác hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây an toàn bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở đã triển khai các hoạt động giao thương, kết nối, tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn cung ứng cho hệ thống phân phối của Hà Nội. 04 tháng đầu năm, Sở đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát vùng sản xuất và hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.

Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin sản phẩm của các tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối Hà Nội chủ động kết nối. Tích cực thông tin các sự kiện, hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức đến các doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội nghiên cứu, đăng ký tham gia theo nhu cầu; xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn Thành phố Hà Nội năm 2024 trong tháng 5/2024.

Về phía UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì, xây dựng thêm các tuyến phố không kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đến nay, đã xây dựng tổng số 160 tuyến phố. Một số quận xây dựng được nhiều tuyến phố không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè như: quận Long Biên có 80 tuyến; quận Hoàn Kiếm có 16 tuyến; quận Đống Đa có 20 tuyến; quận Thanh Xuân có 11 tuyến; Cầu Giấy có11 tuyến;...

Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền Đề án trái cây được các sở, ngành đơn vị, UBND các quận, huyện thị xã đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nắm bắt và có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các quy định tại Đề án; người tiêu dùng đã có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án được cấp biển nhận diện và các siêu thị, trung tâm thương mại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trần Thị Phương Lan cũng cho hay, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án tại một số địa phương còn chậm, một số huyện tỷ lệ thực hiện thủ tục về an toàn thực phẩm còn thấp và chưa thực hiện cấp biển nhận diện.

Tình trạng kinh doanh trái cây nhỏ lẻ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn tồn tại nhất là tại các tuyến vành đai, tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố. Việc kiểm tra, giải tỏa các trường hợp này gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để do các đối tượng tái hoạt động khi thiếu vắng lực lượng trực chốt, giải tỏa; người tiêu dùng vẫn còn giữ thói quen “tiện đâu mua đấy”, chưa chú trọng nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, xử lý của các lực lượng chức năng.

Phấn đấu hết năm 2024, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật và thành phố về quản lý, kinh doanh và tiêu dùng trái cây trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai các cơ sở được cấp biển nhận diện, cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật hệ cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố trong năm 2024
Ngành Công Thương Hà Nội tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố trong năm 2024. (ảnh Nguyễn Hạnh)

Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật và thành phố, theo đó phấn đấu 100% cửa hàng có đăng ký kinh doanh, 100% người trực tiếp kinh doanh trái cây được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã phấn đấu thực hiện cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án.

Triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý, kinh doanh trái cây của các cửa hàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng, Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm trái cây như tổ chức Lễ hội trái cây, Tuần hàng trái cây nông sản các tỉnh, thành phố, Hội chợ tiêu dùng xanh – sản phẩm an toàn… để đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng của các tỉnh về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và vào các kênh phân phối hiện đại.

Với sự vào cuộc của Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025” nói chung và năm 2024 nói riêng sẽ đạt được mục tiêu đặt ra, qua đó góp phần từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây lưu thông trên thị trường phục vụ nhân dân Thủ đô.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương