Tăng cường liên kết hệ thống quỹ tín dụng từ mô hình đại lý thanh toán

(Banker.vn) Việc triển khai mô hình đại lý thanh toán thông qua Quỹ tín dụng nhân dân giúp ngân hàng tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí.
Chế độ tài chính đối với quỹ tín dụng nhân dân 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

Hành lang pháp lý “mở đường” cho đại lý thanh toán

Trong bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng ngày càng đổi mới mạnh mẽ, việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đến khách hàng, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trở thành một yêu cầu cấp thiết. Với Co-opBank và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đòi hỏi từ thực tế này đã có hướng đi mới từ mô hình đại lý thanh toán, một mô hình đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức luật hóa trong năm 2024.

Cụ thể, Thông tư 07/2024/TT-NHNN của NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, qua đó chính thức công nhận hoạt động đại lý thanh toán trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo quy định, Quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý cho Co-opBank đối với thành viên, khách hàng của Quỹ tín dụng nhân dân đó.

Với hành lang pháp lý từ Thông tư 07/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Co-opBank được phép thực hiện giao đại lý thanh toán đến các Quỹ tín dụng nhân dân và qua đó giúp mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính đến các địa bàn chưa có hoặc còn thiếu các điểm giao dịch ngân hàng.

Với hành lang pháp lý về đại lý thanh toán, Co-opBank có thể mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính đến các địa bàn chưa có hoặc còn thiếu các điểm giao dịch ngân hàng
Với hành lang pháp lý về đại lý thanh toán, Co-opBank có thể mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính đến các địa bàn chưa có hoặc còn thiếu các điểm giao dịch ngân hàng

Khi đi vào triển khai thực hiện, mô hình đại lý thanh toán không chỉ giúp Co-opBank mở rộng dịch vụ tài chính mà còn tạo điều kiện để các Quỹ tín dụng nhân dân nâng cao vai trò, năng lực hoạt động tại địa phương. Với mô hình này, Quỹ tín dụng nhân dân có thể thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng quan trọng theo ủy quyền từ Co-opBank, bao gồm: Nghiệp vụ tài khoản thanh toán; nghiệp vụ thẻ; nghiệp vụ về dịch vụ thanh toán. Việc triển khai đại lý thanh toán tại Quỹ tín dụng nhân dân còn giúp giảm tải áp lực cho hệ thống chi nhánh của Co-opBank, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi hệ thống ngân hàng thương mại chưa phủ sóng rộng rãi.

Lợi ích đa dạng của đại lý thanh toán

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, mô hình đại lý thanh toán mang lại nhiều lợi ích quan trọng với cả khách hàng, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và Co-opBank ở các khía cạnh như tiếp cận dịch vụ ngân hàng thuận tiện, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời triển khai đồng bộ dịch vụ ngân hàng số.

Trên thực tế, trước đây, khách hàng ở vùng sâu, vùng xa thường gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính do khoảng cách địa lý và số lượng điểm giao dịch ngân hàng hạn chế. Tuy nhiên, với việc triển khai đại lý thanh toán tại các Quỹ tín dụng nhân dân, người dân có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng ngay tại địa phương, thay vì phải di chuyển xa đến các chi nhánh ngân hàng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, mô hình đại lý thanh toán mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ. Thông qua việc được ủy quyền thực hiện một số nghiệp vụ đại lý thanh toán từ Co-opBank, Quỹ tín dụng nhân dân có thể mở rộng danh mục dịch vụ cung cấp cho khách hàng, từ đó đa dạng hóa hoạt động kinh doanh mà không cần đầu tư quá nhiều về cơ sở hạ tầng hay nguồn nhân lực; đảm bảo an toàn hệ thống và duy trì tính bền vững trong hoạt động.

Trong bối cảnh ngành tài chính và ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, việc triển khai đại lý thanh toán sẽ giúp các Quỹ tín dụng nhân dân từng bước tiếp cận và triển khai đồng bộ các dịch vụ ngân hàng số ngay tại địa phương; giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thời đại số hóa. Đồng thời, việc triển khai mô hình đại lý thanh toán thông qua Quỹ tín dụng nhân dân giúp ngân hàng tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí mở rộng mạng lưới chi nhánh mới, từ đó tăng cường sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mô hình đại lý thanh toán không chỉ giúp tăng cường liên kết giữa Co-opBank và Quỹ tín dụng nhân dân mà còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho khách hàng và cộng đồng. Đây được xem là một giải pháp tối ưu để phát triển hệ thống tài chính toàn diện, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện và hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục