Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

(Banker.vn) Thủ tướng vừa ký Công điện về việc tiếp tục thực hiện giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPND, BĐS...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Thanh Hóa phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thực hiện đấu giá quyền cấp quyền khai thác khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản
Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành chủ động phối hợp đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý Nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Nội dung Công điện nêu rõ, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Qua đó, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024. Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền. Không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.

Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành. Nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.

Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 và các văn bản có liên quan quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý Nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác.

Công điện cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra. Theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm khả thi, sát thực tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, nhất là xác định giá đất, quản lý, sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng làm chậm trễ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Song Hà

Theo: Báo Công Thương