Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

(Banker.vn) Các cơ quan chức năng cùng tìm giải pháp tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Lại bàn về chuyện chống buôn lậu cuối năm Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả

Ngày 28/9, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là BCĐ 389 quốc gia) tổ chức Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng tình hình, đưa ra các giải pháp sát hợp nhất, căn cơ nhất, hiệu quả nhất cho công tác này.

Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ/ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an; Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; Vụ I - Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo 389 của 30 tỉnh thành phố và Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ Thương hiệu Việt Nam; Quỹ chống hàng giả; các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,…

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ cùa người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp lên án, tẩy chay, tố giác các hành vi vi phạm, đã phát hiện và xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, triển khai hành động và kết quả thực hiện.

Theo số liệu tổng hợp kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… của các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trên phạm vi toàn quốc cho thấy năm 2019 cả nước phát hiện 8.479 vụ vi phạm; năm 2020 phát hiện 5.723 vụ; năm 2021 phát hiện xử lý 4.094 vụ và năm 2022 phát hiện xử lý 3.527 vụ vi phạm.

Tuy nhiên, dự báo buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng tuy có giảm dần trong những năm gần đây song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trở lại sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường; xu hướng cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao; biến động chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong và ngoài nước còn lớn, đặc biệt là sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm thiết yếu là động cơ nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Những vấn đề nói trên đặt ra thách thức cho các cấp, các ngành, và các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi về công tác này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - nhấn mạnh: Trước tình hình đó, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhằm kiểm soát tốt hơn trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

"Văn phòng Thường trực tổ chức Hội thảo này để chúng ta trao đổi, thảo luận đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng tình hình, đưa ra các giải pháp sát hợp nhất, căn cơ nhất, hiệu quả nhất cho công tác này", ông Đông nói.

Theo đó, các đại biểu tại hội thảo sẽ cùng thảo luận, trình bày những khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng và đưa ra giải pháp.

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục