Tặng bằng khen của Thủ tướng cho một số tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống COVID-19

(Banker.vn) Ngày 16/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng bằng khen cho một số tập thể và các nhân thuộc Thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, tại Quyết định số 714/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 4 cá nhân thuộc thành phố Hà Nội đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các tập thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ gồm:

1. Nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

2. Trung tâm Y tế huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

3. Nhân dân và cán bộ thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

Các cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ gồm:

1. Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

2. Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

3. Ông Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội;

4. Ông Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Trong thời điểm cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, huyện Đông Anh đã có cách làm sáng tạo là khoanh vùng ổ dịch "3 lớp" tại những nơi bị cách ly, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn đời sống người dân.

"3 lớp" đó là: Lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 31/3/2020, lớp tiếp theo thực hiện theo chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 27/3/2020, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 24/4/2020.

Cách thức thực hiện phong tỏa “3 lớp” là nhằm “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, ở đợt dịch thứ 4, thời điểm ngày 30/4/2021, huyện Đông Anh ghi nhận 2 trường hợp là F1 của BN2911 làm việc tại KCN Thăng Long có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1. Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên do tiếp xúc với bệnh nhân tỉnh Hà Nam, huyện đã tổ chức phong tỏa cách ly một làng có 499 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu.

Huyện bố trí 3 chốt kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên bên trong làng, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, nhu yếu phẩm của người dân vẫn được cung cấp đầy đủ.

Đến nay, Đông Anh có 4 điểm dịch COVID-19 phải thực hiện phong tỏa, nhưng nhờ cách làm sáng tạo, nhất là với mô hình cách ly “3 lớp”, huyện Đông Anh vẫn kiểm soát tốt tình hình và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”.

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, mô hình cách ly “3 lớp” được tổ chức cụ thể như sau: Lớp 1 là siết chặt cách ly những gia đình F1, toàn bộ F2 và người đi đến ở vùng dịch. Ở vòng này, huyện phân công lực lượng thường trực 24/24h. Lớp 2 là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm. Lớp 3 là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt.

Để thực hiện được mô hình này, huyện Đông Anh đã huy động được trên 11.000 tình nguyện viên và các lực lượng liên ngành tham gia để bảo vệ ở các chốt để bảo đảm việc kiểm soát y tế.

Cùng với mô hình cách ly “3 lớp”, có chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, huyện Đông Anh đã triển khai toàn bộ kịch bản ứng phó dịch bệnh ở mức cao nhất, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; thực hiện “3 trước” là “đánh giá nhận định trước”, “chuẩn bị phương án trước”, “phát hiện hành động trước” gắn với thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Ngay sau khi kích hoạt phương án, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư phương tiện ở tất cả 155 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố. Vì vậy, khi phát hiện ca bệnh, thực hiện hiện yêu cầu phong tỏa, cách ly tại các ổ dịch, chỉ trong vòng 6 giờ từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, huyện đã triển khai xong các chốt kiểm tra, kiểm soát.

Nhờ cách làm hiệu quả, nhất là với mô hình cách ly “3 lớp”, đến nay, tình hình dịch trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản đã được tầm kiểm soát. Huyện vẫn tiếp tục các nhiệm vụ tổ chức bầu cử bảo đảm an toàn, đúng tiến độ; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định./.

Tại Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 16/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò, năng lực trong công tác phòng, chống dịch. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch thứ hai vào năm 2020, phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy lợi ích thiết thực, tiết kiệm về chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn). Theo số liệu thống kê từ ngày 8-23/8/2020, trong vòng 16 ngày, số người được lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Đà Nẵng là 97.103 người.

Năm 2021, bước vào đợt dịch thứ ba, trước diễn biến dịch hết sức phức tạp, phải đối mặt với áp lực xét nghiệm số lượng mẫu ngày càng tăng trong điều kiện khó khăn về nhân lực, vật lực, từ hiệu quả đã đạt được trong công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 vào các đợt dịch năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 trong đợt dịch năm 2021.

Chỉ tính riêng số mẫu gộp que thu thập được từ ngày 8-13/5/2021 là 7.386 mẫu gộp từ 69.544 lượt người với số lượng mẫu lẻ trong mỗi nhóm từ 5 đến 10 mẫu, phần lớn là 10 mẫu lẻ/1 mẫu gộp. Như vậy, trong vòng 6 ngày, đã có 69.544 người được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện được 8 ca dương tính trong tổng số 69.544 người.

Số lượng mẫu bệnh phẩm được gộp tối đa hiện nay đang thực hiện là 10 mẫu bệnh phẩm/ống (mẫu gộp que). Sau đó, tiến hành gộp 2 mẫu gộp que/1 mẫu gộp dung dịch. Như vậy, sau 2 lần gộp tại thời điểm lấy mẫu và sau đó gộp tại phòng xét nghiệm từ 2 mẫu đã gộp lần 1, lượng mẫu tối đa có thể xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng.

Với phương pháp này, ngoài việc tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn và quan trọng hơn cả là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.

Phương pháp gộp mẫu xét nghiệm từ mẫu gộp que mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thực hiện đã cho thấy hiệu quả cao về phòng, chống dịch và lợi ích kinh tế (thay vì chi phí hơn 39,7 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn thì với mẫu gộp 20, chi phí chỉ còn hơn 2,7 đồng). Ngoài tiết kiệm chi phí xét nghiệm, qua thực tiễn đã cho thấy phương pháp mẫu gộp 20 so với gộp 5 giảm ½ chi phí trang thiết bị và nhân lực.

Qua các đợt dịch từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã luôn nỗ lực không ngừng trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, hạn chế nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Kết quả của công tác xét nghiệm và giám sát, xử lý dịch COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã được ghi nhận, đánh giá cao./.

A.Đ

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục