Tăng 145% chỉ trong 1 tuần, cổ phiếu VSF có gì?

(Banker.vn) Nhờ diễn biến tích cực của thị trường chung và kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2023, trong một tuần trở lại đây cổ phiếu VSF của ông lớn xuất khẩu gạo đang trở nên bứt phá mạnh với nhiều phiên tăng trần liên tục.

Mặc dù cổ phiếu nhóm gạo đang phải đối diện áp lực điều chỉnh, tuy nhiên cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty Cổ phần (Vinafood 2) vẫn ghi nhận đà tăng “bốc đầu” và thị giá bứt phá lên chỉ trong vòng 1 tuần.

Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng ngày 3/8, VSF đã tăng kịch trần 14,7% lên mức giá 24.900 đồng, qua đó xác lập thị giá cao nhất của VSF kể từ khi doanh nghiệp này đăng ký giao dịch UPCOM vào tháng 4/2018 đến hiện tại.

Tăng 145% chỉ trong 1 tuần, cổ phiếu VSF có gì?
Diễn biến giá cổ phiếu VSF.

Đà tăng của VSF đã được duy trì trong 8 phiên giao dịch liên tiếp, trong đó có tới 7 phiên tăng kịch trần đã kéo thị giá của VSF từ 9.200 lên 24.900, tương đương bứt phá 145% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Bên cạnh đó, thanh khoản của VSF cũng được cải thiện một cách đáng kể khi khối lượng khớp lệnh từ vài chục nghìn lên hàng trăm nghìn đơn vị, trong đó, phiên giao dịch ngày 1/8 khối lượng khớp lệnh đạt kỷ lục ở mức hơn 513 nghìn đơn vị.

Diễn biến tích cực của cổ phiếu VSF diễn ra trong bối cảnh ngành này nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, cụ thể ngày 29/7, Chính phủ Nga đã thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến cho đến ngày 31/12/2023, quyết định này được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.

Trước đó không lâu, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng kể từ 28/7, áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.

Quyết định của UAE và Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm bán ra quốc tế các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Quyết định này được chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của họ.

Việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên từ 550 - 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Bên cạnh đó, đà tăng của VSF cũng nhờ ảnh hưởng tích cực từ thông tin lợi nhuận của VSF tăng gấp đôi trong quý II/2023 năm nay. Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý II/2023 vừa mới được Vinafood 2 công bố, VSF ghi nhận doanh thu đạt ở mức 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về hoạt động kinh doanh khởi sắc trong quý II/2023, VSF cho biết việc thực hiện tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt giúp công ty ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh tốt. Nhờ mức doanh thu tăng đột biến, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của VSF đạt 9,4 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với mức thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý II đã giúp cho Tổng công ty Lương thực miền Nam-Công ty Cổ phần (Vinafood 2) mang về doanh thu nửa đầu năm đạt 11.340 tỷ đồng và lợi nhuận nửa đầu năm đạt 9,9 tỷ đồng. Trong năm 2023, Vinafood 2 đặt ra mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022.

Cập nhật tiến độ dự án sân bay Long Thành

Dự án Sân bay Long Thành được kỳ vọng là một trong những động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Tính ...

HOSE nhắc nhở loạt công ty chưa nộp báo cáo tài chính quý 2

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính quý 2/2023 đến các Công ty niêm yết...

Chứng khoán phiên sáng 3/8: Thanh khoản cải thiện, VN-Index giảm nhẹ cuối phiên

Vn-Index nỗ lực hồi phục thất bại trong phiên giao dịch 3/8 khi giảm nhẹ về cuối phiên. Đáng chú ý, cổ phiếu VNM là ...

Lê Trang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán