Tận dụng UKVFTA, gia tăng cơ hội hàng Việt vào thị trường Anh

(Banker.vn) Hàng Việt có nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường Anh nhờ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).
Thêm 2 sản phẩm OCOP Hoà Bình xuất khẩu sang thị trường Anh Xây dựng thương hiệu gạo để phát triển bền vững tại thị trường Anh

Cũng giống như EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) là một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh. UKVFTA có phạm vi cam kết rộng, bao trùm các khía cạnh thương mại đầu tư truyền thống (như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) và mới (như mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh…). Những ưu đãi từ UKVFTA giúp hàng Việt có thêm nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường tại Anh, nhất là những mặt hàng mà hệ thống cung ứng của Anh có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraine.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Anh đạt hơn 3,23 tỷ USD, giảm 1,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,49 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 2,86 tỷ USD, giảm nhẹ 2,2% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này thấp so với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trung bình (-8,1%) của Việt Nam sang các nước Châu Âu trong 6 tháng 2023 và mức -11,5% ra toàn thế giới.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng mạnh nhờ lực đẩy từ UKVFTA
Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng mạnh nhờ lực đẩy từ UKVFTA

Các mặt hàng tăng trưởng gồm: giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 104,9%; sản phẩm từ cao su 60,2%; điện thoại và linh kiện các loại tăng 29,6%; rau quả tăng 28,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 24,4%; giầy dép các loại tăng 5,1%; hạt điều tăng 2,7%; sản phẩm chất dẻo tăng 1,4%.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: điện thoại các loại và linh kiện (22,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (14,6%); giày dép các loại (13,1%); hàng dệt may (11,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 4,9%; hàng thủy sản 4,9%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,2%;

Chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt 372,5 triệu USD, tương đương so cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm: Hàng thủy sản 233,3%; sản phẩm từ sắt thép 94,6%; vải các loại 71,9%; kim loại thường 51,3%; nguyên phụ liệu may mặc 15,5%; sản phẩm từ chất dẻo 15,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác + 6,4%. Các mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh gồm: cao su (-82,8%); Phế liệu sắt thép (–58,5%) ; điện thoại và linh kiện (-56,8%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (-31,2%); vải các loại – 32,1%; chất dẻo nguyên liệu – 29,9%, ô tô nguyên chiếc các loại – 17,7%..

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (24%); Dược phẩm 11,8%; Sản phẩm hóa chất 6,4%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (5,2%); Thủy sản (4,6%).

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, hàng Việt Nam đang có cơ hội từ cơ sở ưu đãi thuế quan theo UKVFTA. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da… sang Anh quốc.

Trong khi đó, Vương quốc Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ukraine. Ngoài ra, thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người). Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp. Đây là cơ hội để hàng Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường tại quốc gia này.

Song hành cùng những cơ hội, hàng Việt Nam khi tiếp cận thị trường Anh cũng gặp không ít khó khăn. Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu. Biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Cảnh Cường thông tin, thời gian tới, Thương vụ sẽ tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt nam. Tìm hiểu và cung cấp cho Doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh. Cập nhật và phổ biến sách điện tử "Thị trường Anh – những điều cần biết". Cùng với đó, xây dựng website www.vietnamtradeoffice.co.uk để phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với Cục Xúc tiến Thương Mại, Vụ Thị Trường Châu Âu – Châu Mỹ tổ chức các Hội thảo trực tuyến tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, kết nối với các chuyên gia, thương nhân của Anh trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, đồ gỗ, UKCA, digital marketing… Tham gia các Hội chợ triển lãm giới thiệu quảng bá hàng hóa và tiềm năng xuất khẩu Việt Nam: Birmingham Furniture Show (T1- 2023), Birmingham FOODS & Drink EXPO (T4-2023), Balmoral Show (T5 - 2023).

Thời gian tới sẽ tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị nước sở tại - Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà phê, gạo, hoa quả… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục