Tận dụng tốt hơn CPTPP để "hóa giải" những thách thức khi xuất khẩu sang Canada

(Banker.vn) Hàng Việt xuất sang Canada đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh, do vậy, doanh nghiệp cần khai thác tốt hơn CPTPP để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, cơ hội nào cho Việt Nam? Việt Nam - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác nhập khẩu lớn thứ 7. Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 43,6% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực.

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang Canada đã đạt trên 3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng ghi nhận xu hướng giảm như: Điện thoại, phương tiện vận tải, túi xách... Song vẫn có những mặt hàng ghi nhận mức tăng 2 chữ số. Cá biệt một số lĩnh vực vẫn có mức tăng đến 3 chữ số như máy móc, thuỷ tinh, máy ảnh và linh kiện...

cc
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang Canada đã đạt trên 3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa

Tuy vậy, Thương vụ cho rằng, mức tăng này vẫn chưa đủ để các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Canada đạt được giá trị xuất khẩu trung bình như giai đoạn 2022. “Nguyên nhân là bởi các mặt hàng truyền thống có giá trị xuất khẩu cao trước đây như dệt may, thuỷ sản, điện thoại, giày dép, gỗ nội thất... vẫn chưa phục hồi được nhịp xuất khẩu của năm 2022, cá biệt có những mặt hàng giảm rất sâu như thuỷ sản (giảm một nửa so với năm 2022, dù đã phục hồi khá mạnh so với năm 2023)” - bà Trần Thu Quỳnh phân tích.

Chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Canada vào Việt Nam tăng 15,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 359 triệu USD. Việt Nam giảm nhập khẩu lúa mì, đậu tương, rau quả... nhưng tăng mạnh nhập khẩu phân bón và thức ăn gia súc/nguyên liệu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gia tăng nhu cầu đối với một số sản phẩm công nghiệp của Canada như dược phẩm, sản phẩm điện tử, máy móc, hoá chất, chất dẻo, cao su, phế liệu sắt thép...

Lợi thế cạnh tranh đang mất dần

Dù mức tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada vẫn đang tương đối khả quan, song Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh cho rằng, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:

Một là, lợi thế về thuế quan đang mất dần: Trong thời gian qua, lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đã dần mất đi do Canada đã có và đang đẩy mạnh ký kết các Hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…).

Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó, Canada cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và hướng về các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy. Xu hướng này đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu một số lĩnh vực chế biến chế tạo mà Việt Nam có thế mạnh như: Điện tử, dệt may, nội thất.

cc
Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada đang mất dần lợi thế cạnh tranh. Ảnh minh họa

Trong năm 2023, qua theo dõi số liệu sở tại, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico. Ngoại trừ Argentina, cả Ecuador, Chile và Mexico đều có FTAs song phương với Canada. Trong khối ASEAN, Canada cũng tăng cường nhập khẩu từ Philippines, Malaysia và Indonesia (dự kiến sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với Canada vào cuối năm 2024).

Thứ hai, ngoài việc mất lợi thế về thuế quan, chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ. Yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ.

Thứ ba, trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam còn gặp bất lợi lớn khi không còn được hưởng ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường vào cuối năm 2024.

Đầu năm 2023, Canada đã công bố gia hạn danh sách các nước được hưởng các nước hưởng ưu đãi thuế quan thuộc nhóm kém phát triển (LDCs) được hưởng Ưu đãi phổ cập thuế quan và đưa ra Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường đến năm 2034, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho các nhà nhập khẩu Canada.

Chương trình Ưu đãi Phổ cập thuế quan tăng cường là một chương trình ưu đãi thuế mới được Canada lập ra trong kế hoạch Ngân sách năm nay nhằm đưa ra những ưu đãi cho các nước mà theo Canada đạt được các tiêu chuẩn về nhân quyền, bình đẳng giới, điều kiện lao động và biến đổi khí hậu (hiện chưa rõ các điều kiện của Canada có tương tự như của EU hay không). Trong khi Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan thông thường sẽ không áp đặt thêm các tiêu chí về xã hội và môi trường.

Đây là bất lợi lớn cho ngành dệt may Việt Nam khi các đối thủ dệt may cạnh tranh lớn của Việt Nam như: Bangladesh, Cambodia, Haiti, Sri Lanka, Pakistan, Kenya, Egypt và El Salvador... sẽ tiếp tục hưởng GSP mà không phải chịu các ràng buộc về xã hội và môi trường; đồng thời được hưởng quy định về xuất xứ dệt may đơn giản hơn.

Không chỉ chịu áp lực về lợi thế cạnh tranh, mà hiện nay hàng xuất khẩu vào Canada cũng còn phải đối diện với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm xuất khẩu chế biến chế tạo chủ lực của Việt Nam vào địa bàn chính là ở góc độ cầu của thị trường suy giảm. Thách thức thứ hai đến từ chính khả năng hàng Việt Nam có đáp ứng được những tiêu chuẩn xuất khẩu mới, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì, thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới hay không...

Tận dụng ưu đã từ CPTPP, mở rộng xuất khẩu

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ năm 2019, lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP đó là mở cửa thị trường xuất nhập khẩu.

Bà Mary Ng - Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại và xúc tiến xuất khẩu Canada cho biết, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa 2 nước trở thành ngôi sao sáng trong khối CPTPP. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới.

Cũng theo bà Mary Ng Cũng cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại khu vực ASEAN đồng thời bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình thành công này ra cả khu vực. Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và có quy mô ngày càng lớn. Việt Nam sẽ là cánh cửa quan trọng để Canada mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.

cc
Để "hóa giải" những thách thức xuất khẩu sang Canada, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn những lợi thế từ Hiệp định CPTPP. Ảnh minh họa

Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang 3 thị trường Canada có kết quả rất tích cực, tốc độ tăng trường luôn trên hai chữ số, trên 20%, kể cả trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Vào năm 2013 giá trị thương mại giữa hai nước Việt Nam - Canada mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD thì đến năm 2023 đã đạt mức 10 tỷ USD. Trong đó, có tới trên 9 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada.

Tuy nhiên, trong số 9 tỷ USD xuất khẩu chỉ có 18% trong số đó tận dụng, sử dụng form xuất xứ CPTPP, còn lại tới 80% vẫn sử dụng các form cũ. Đây là lý do vì sao tỷ lệ tận dụng CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường Canada rất thấp, không khai thác hết được các quy tắc xuất xứ, xuất khẩu.

Thông tin chi tiết hơn, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, đến tháng 12/2024, Việt Nam sẽ không còn được hưởng ưu đãi 0% thuế dành cho các nước có thu nhập thấp nữa. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp không tận dụng được CPTPP, hàng Việt Nam tại thị trường Canada sẽ bị giảm mạnh sức cạnh tranh về giá so với các nước vẫn còn được ưu đãi như Indonesia, Campuchia...

Nếu không tận dụng được CPTPP, sản phẩm dệt may sẽ phải trả thuế từ 5- 18%, da giày trả thuế từ 5 - 15%, dẫn đến sản phẩm đắt hơn 10 - 18% so với các nước vẫn đang được ưu đãi 0% thuế”, bà Quỳnh nêu ví dụ và khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần khai thác tốt CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường bởi trong năm 2024 và các năm tới, nhóm mặt hàng này dự báo khó có khả năng giữ mức tăng trưởng cao.

Để giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP tốt hơn nữa, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hiểu và áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Nguyên tắc cộng gộp cho phép các nước TPP tính gộp cả những nguyên liệu đến từ những nước TPP khác vào hàng hóa cuối cùng và vẫn được coi là sản phẩm nội vùng, bao gồm cả trường hợp hàng hóa đến từ một nước TPP được gia công thêm hoặc bổ sung thêm giá trị gia tăng ở một nước thứ hai.

Với nguyên tắc xuất xứ cộng gộp, doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các địa bàn có trong cùng một hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0. Hiện các doanh nghiệp Canada cũng rất quan tâm tới việc sử dụng nguyên liệu đầu vào có sử dụng form CPTPP để sản xuất xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc tận dụng CPTPP cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược logistic bởi các điều khoản trung chuyển cởi mở hơn rất nhiều các hiệp định thương mại khác. Ví dụ thay vì xuất khẩu xuyên Thái Bình Dương, doanh nghiệp có thể trung chuyển qua Atlantic, đi vào bờ Đông của Canada để có chi phí thấp hơn.

“Khi có các Hiệp định thương mại, chúng ta không chỉ khai thác về thuế mà còn cần nghĩ tới những yếu tố mở hơn như cơ hội mà các hiệp định thương mại mở ra cho chúng ta trong cách tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chiến lược đầu tư ở nước ngoài”- bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.

Cũng theo Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Canada, ngoài việc triển khai nhiều sự kiện quảng bá tiềm năng công nghiệp và đầu tư ở khắp các tỉnh bang Canada, Thương vụ cũng dành chuyên mục để giới thiệu quảng bá Cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam cũng như để giới thiệu từng doanh nghiệp cụ thể trên trang web tiếng Anh nhằm truyền thông cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Cùng đó, Thương vụ cũng phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương để chuyển các cơ hội kết nối giao thương và các đơn hàng của các doanh nghiệp Canada có yêu cầu.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục