Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA

(Banker.vn) EVFTA không chỉ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa mà còn mang lợi thế cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp dệt may vững chân tại thị trường EU Thực thi Hiệp định EVFTA: Đổi mới hoạt động công đoàn, đảm bảo cam kết về lao động Để nông sản Việt không phải “thay tên đổi họ” khi xuất khẩu vào EU

Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã được khẳng định rõ ràng. Không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU. Đồng thời, EVFTA cũng góp phần đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.

Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA
Với EVFTA, không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU. Ảnh minh họa

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ các nước châu Âu phục vụ quá trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU đạt 48,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 36,2 tỷ USD, giảm 8,9%, nhập khẩu từ EU 12,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, xuất siêu sang thị trường này đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%.

Đáng lưu ý, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bây giờ không chỉ tập trung vào các thị trường như Đức, Pháp và Hà Lan như trước đây mà đã tăng trưởng đều và cao hơn trước, ngay cả tại các thị trường ngách như Bắc Âu, Nam Âu hay Đông Âu.

“Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định, nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất nhiều trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm linh kiện điện tử và nguồn nguyên liệu từ khu vực châu Âu. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên liệu từ các nước châu Âu phục vụ cho chính quá trình sản xuất. Từ những thiết bị máy móc và nguồn nguyên liệu chất lượng tốt của EU, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng và từ đó đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam” - đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định và cho biết, hiện nay Việt Nam và các nước EU đang tập trung phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng. Đây là những lĩnh vực mà EU có thế mạnh, phù hợp với chính sách phát triển và định hướng của Việt Nam.

Chung quan điểm, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định EVFTA là một điểm nhấn để thu hút đầu tư từ châu Âu nói chung, từ Đức nói riêng vào Việt Nam và thị trường Việt Nam đã và đang tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư châu Âu, nhà đầu tư Đức.

Với mục tiêu đầu tư lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Đức mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Đức cũng sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo với nguồn nhân lực trong nước, giúp doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức để có thể nâng cao sức cạnh tranh và lớn mạnh bền vững bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Đào Thu Trang khuyến nghị cơ quan quản lý Việt Nam cần tăng cường hiệu quả thực thi Hiệp định để xây dựng và sửa đổi những văn bản luật liên quan để gia tăng thương mại, đầu tư EU vào Việt Nam.

Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, tăng được hàm lượng nội địa lên đến 30%.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư của châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam…

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất tốt cơ chế hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thông qua hệ thống Thương vụ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và cơ quan nước sở tại để tạo điều kiện cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực châu Âu.

Mặt khác, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng là đơn vị thường xuyên đẩy mạnh hoạt động giới thiệu thông tin về thị trường, cập nhật xu hướng tiêu dùng của các nước EU tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua hội thảo, chương trình tập huấn.

Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, EU là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối rất lớn nên trong thời gian tới, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn của châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU.

Bên cạnh đó, trong các năm tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các kênh phân phối để tổ chức các chương trình đào tạo do chuyên gia trực tiếp từ các kênh phân phối khu vực châu Âu và Việt Nam hướng dẫn. "Thông qua hệ thống Thương vụ để cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường nhằm đẩy mạnh kết nối giữa nhà thu mua của châu Âu và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam" - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương